Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, tuy nhiên, sau nhiều lần được gia hạn, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục có nguy cơ chậm tiến độ, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn.
Công trường thi công nhà ga ngầm S9 tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: ANH DUY
Công trường thi công nhà ga ngầm S9 tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: ANH DUY

Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm, đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Theo Giám đốc Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh, đến nay tiến độ tổng thể dự án đạt được 48%; trong đó, đã hoàn thành thi công 98% đoạn tuyến trên cao và 60% khối lượng xây dựng các ga trên cao. Khu vực đề-pô (nơi tập kết tàu và sửa chữa, bảo dưỡng) tại Nhổn cũng đã hoàn thành 98% hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 50% công trình tòa nhà. Hiện tại, nhà thầu đang chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, tiến độ gói thầu CP - 03 (hầm và các ga ngầm) đang bị chậm. Theo kế hoạch, trong quý III - 2019, toàn bộ nhà ga ngầm phải hoàn thành hệ thống tường vây chung quanh để đưa rô-bốt đào hầm TBM vào thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ công việc mới đạt chưa đến 50%.

Giám đốc Xây dựng của Liên danh nhà thầu Hyundai E&C Ghella (đảm trách gói thầu CP - 03) R.M.Ru-de-rô cho biết, tiến độ bàn giao mặt bằng bốn nhà ga ngầm đã chậm hơn một năm. Việc không có đủ mặt bằng là thách thức lớn. Đến thời điểm này, dốc hạ ngầm trên đường Kim Mã đã hoàn thành 35% tường vây; Ga S9 (Ga Kim Mã) đã hoàn thành 60% tường vây. Ga này cũng chính là vị trí hạ máy khoan TBM, cho nên có vai trò rất quan trọng đối với toàn dự án. Ga S10 (Ga Cát Linh) hoàn thành được khoảng 50% tường vây. Bên cạnh khó khăn về tài chính, cả Ga S11 (Ga Văn Miếu) và S12 (kết nối với Ga Hà Nội) hiện chưa được bàn giao mặt bằng, cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ chung của cả dự án.

Tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng đang được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, do những vướng mắc về đơn giá đền bù, nhà tái định cư, cho nên tiến độ khá chậm. Quận Ba Đình hiện còn sáu hộ chưa đồng thuận; quận Hoàn Kiếm mới có 27 hộ đã nhận tiền đền bù, trong tổng số 43 hộ trong diện di dời. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa Trương Thế Khôi cho biết, trên địa bàn quận có 118 phương án (gồm 101 hộ dân và 17 tổ chức) với diện tích 6.451 m2 cần thu hồi mặt bằng để thi công dự án. Trong đó Ga S10 (phường Cát Linh) là 52 phương án GPMB; Ga S11 (phường Văn Miếu, Văn Chương) có 66 phương án GPMB. Hiện, lực lượng chức năng đã hoàn thành GPMB 67 phương án. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường, vận động tuyên truyền các hộ dân trong diện phải di dời, UBND quận Đống Đa cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục xem xét các cơ chế, chính sách để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân liên quan bồi thường, hỗ trợ về đất; về tài sản trên đất; về nhà tái định cư.

Lãnh đạo Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội bày tỏ: “Điều chúng tôi lo nhất hiện nay là vướng mắc trong khâu GPMB, nhất là GPMB để thi công bốn ga ngầm từ S9 - S12. Chậm GPMB đồng nghĩa với việc chậm tiến độ thi công và cả những rủi ro tài chính có thể xảy ra với dự án như đội vốn, ảnh hưởng đến giao thông và môi trường thành phố”. Hơn lúc nào hết, các dự án xây dựng ĐSĐT nói chung và dự án tuyến Nhổn - Ga Hà Nội nói riêng rất cần sự chia sẻ, quan tâm sâu sắc, thiết thực của người dân Hà Nội. Phó Giám đốc Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết: “Đường sắt đô thị là công trình vì lợi ích chung của toàn xã hội và mỗi người dân có quyền được hưởng tiện ích. Chúng tôi mong người dân thấu hiểu, tạo điều kiện, thúc đẩy các dự án sớm về đích”.

Vừa qua, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, khẳng định tiến độ gói thầu CP - 03 có vai trò đặc biệt quan trọng để dự án có thể “về đích” vào năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu, ngay trong quý II-2019, các quận phải bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các ga ngầm của dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt vốn ngân sách trung hạn cho Hà Nội để phục vụ các dự án. Thành phố có đủ tiền để thanh toán cho nhà thầu. Tuy nhiên, do đặc thù sử dụng vốn ODA, lại liên quan điều chỉnh dự án, cho nên việc bố trí vốn của ngân sách bị chậm, do đó đề nghị nhà thầu không vì thiếu vốn mà làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình cũng như các hạng mục khác sắp triển khai.