Đẩy mạnh nâng cấp mạng lưới trường học

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho năm học 2018-2019, thành phố đã xây dựng, thành lập 77 trường học ở cả bốn cấp: mầm non, tiểu học, THCS và THPT; cải tạo, sửa chữa 427 trường với tổng kinh phí gần 6.000 tỷ đồng; nâng tổng số trường lên 2.641, đáp ứng chỗ học cho hơn 1,8 triệu học sinh.

Tuy đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng thiếu trường, thiếu lớp vẫn là vấn đề nan giải với Hà Nội, nhất là khi dân số ngày càng tăng. Theo dự báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, quy mô học sinh vào lớp 10 trong ba năm tới sẽ tăng nhanh, riêng năm học 2018-2019 tăng 22 nghìn học sinh. Một số địa bàn, sĩ số học sinh lên tới 45 em/lớp, cao hơn quy định là 40 học sinh/lớp. Cơ sở vật chất nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay, thiếu các phòng học chức năng, khu tập thể thao, nhà để xe cho học sinh...

Như Trường THCS Sơn Công (huyện Ứng Hòa) xây dựng từ 60 năm trước, các mảng tường, sơn cửa đều đã bong tróc, hư hỏng; thiếu phòng chức năng, thư viện, y tế, hội đồng...

Chưa kể tình trạng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh như sự cố sập mảng vữa trần xảy ra vào cuối năm 2017 tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Trong khi, để triển khai các phương pháp giảng dạy mới, trang bị kỹ năng toàn diện hơn cho học sinh, trường học cần phải có hệ thống máy trình chiếu, máy vi tính, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng âm nhạc, nhà thể chất, bể bơi…

Để chuẩn bị tuyển sinh năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường thực hiện tổng rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Đây là căn cứ để lãnh đạo thành phố xác định mức độ ưu tiên, lộ trình triển khai và kinh phí đầu tư cụ thể. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho trường học luôn là việc làm cấp thiết, đòi hỏi ưu tiên nguồn lực. Công tác triển khai cần thực hiện nhanh chóng, tranh thủ thời gian nghỉ hè để hạn chế ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa trường học phải làm theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường học tập mới. Bên cạnh đó, thành phố cần rà soát quỹ đất tại tất cả các quận, huyện, thu hồi đất của các dự án bỏ hoang nhiều năm không triển khai để đầu tư xây trường học. Thành phố cũng cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào trường lớp, tăng nguồn vốn xã hội hóa cho giáo dục. Qua đó, đáp ứng nhu cầu trường lớp của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đưa giáo dục Thủ đô đạt nhiều thành tích hơn nữa.