Cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm trong mùa dịch

Ðể người dân yên tâm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các trường hợp phải cách ly, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã quan tâm chu đáo, bảo đảm cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu hằng ngày. TP Hà Nội lên phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu với nguồn hàng trị giá 194 nghìn tỷ đồng.

Người dân mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Hà Ðông.
Người dân mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Hà Ðông.

Kể từ 6 giờ ngày 9-5, hơn 5.500 người của 1.634 hộ dân tại bốn thôn Linh Quy Bắc, Linh Quy Ðông, Ngổ Ba và Cây Ðề (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) phải bắt đầu thực hiện quy trình cách ly 21 ngày. Ðể bảo đảm cuộc sống hằng ngày cho các hộ dân đang cách ly, 50 tổ Covid cộng đồng tại đây đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, hàng hóa. Các hộ dân cần mua gì thì điện thoại, nhắn tin hoặc viết giấy, nhờ thành viên tổ Covid cộng đồng mua giúp, chuyển đến đặt trước cửa nhà.

Bí thư Ðảng ủy xã Kim Sơn Nguyễn Hùng Cường cho biết, trong các thôn hiện có một số cửa hàng tiện lợi, cho nên việc mua bán thuận tiện, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được chuyển tới trước ba-ri-e, sau đó người dân trong thôn lần lượt ra nhận, không có sự tiếp xúc trực tiếp với người chuyển hàng. Xã cũng hỗ trợ các hộ diện F2 mỗi nhà một thùng mì ăn liền, 10 quả trứng gà, đồng thời, làm việc với các đơn vị cung ứng thực phẩm để lập gian hàng, tiếp nhận thực phẩm của các đơn vị ủng hộ. Xã đang nghiên cứu sắp xếp các hộ dân không bị cách ly được ra ngoài mua thực phẩm theo ngày chẵn, ngày lẻ, để hạn chế sự tiếp xúc trong cộng đồng. Sau những lo lắng, lộn xộn trong ngày đầu thực hiện phong tỏa, người dân các thôn đã chấp hành và thực hiện tốt các quy định. Người dân tại các thôn không bị phong tỏa cũng thường xuyên ủng hộ, gửi đồ đạc, thực phẩm thiết yếu cho các trường hợp phải cách ly.

Tại thời điểm này, ba cơ sở của Bệnh viện K trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện cách ly y tế do các ca lây nhiễm Covid-19. Các bếp ăn, căng-tin bệnh viện trong các cơ sở này nhanh chóng triển khai việc cung ứng các suất ăn cho khoảng 3.000 người cách ly. Tuy nhiên, tại bệnh viện có không ít các trường hợp bệnh nhân và người nhà gia đình khó khăn cho nên TP Hà Nội, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân… trong những ngày qua đã liên tục ủng hộ, chuyển các nhu yếu phẩm tới cho các bệnh viện. Mỗi ngày, Phật tử chùa Phúc Long (huyện Thanh Trì) chuẩn bị từ 150 đến 250 suất cơm miễn phí dành tặng bệnh nhân và người nhà đang cách ly tại Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung (huyện Ðông Anh), hằng ngày có nhiều người dân, nhà hảo tâm tới ủng hộ lương thực, hàng hóa thiết yếu, vật dụng y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của những người đang cách ly.

Không chỉ bảo đảm hàng hóa, thực phẩm cho người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, thành phố đã có phương án bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ dịch, trong đó tính tới phương án chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong ba tháng dịch với giá trị khoảng 194 nghìn tỷ đồng. Thành phố hiện đã cấp phép 131 xe vận chuyển hàng hóa 24 giờ/ngày để bình ổn thị trường và phòng, chống dịch, ngoài ra có 236 xe của các quận, huyện sẵn sàng tiếp ứng các đơn vị khi dịch bệnh bùng phát mạnh.

Các doanh nghiệp của thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chủ động dự trữ 17 nhóm hàng thiết yếu với tổng mức dự trữ tăng ba lần so các tháng bình thường. Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Ðông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12 nghìn tấn nông, thủy sản, năm triệu chiếc khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn. Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết: Hiện nay, toàn bộ kho hàng của hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart… đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, khẩu trang…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp các địa phương lên kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa khi dịch bùng phát mạnh. Có doanh nghiệp báo cáo dự trữ hàng hóa cao gấp đôi so số lượng thành phố giao; làm việc với các nhà phân phối để cung cấp hàng hóa khi cần thiết, sẵn sàng phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Chính vì vậy, trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá, người dân yên tâm tiêu dùng, không phải đổ xô đi mua hàng tích trữ.