Cụ thể hóa lộ trình xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo

Là lực lượng chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số của TP Hà Nội, được đào tạo cơ bản, sớm được tiếp cận với các ứng dụng khoa học hiện đại, tuổi trẻ Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô.

 Hiện Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa thành phố trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, thành phố khởi nghiệp.

Trong số 10 chương trình công tác lớn của Ðảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chương trình số 07-Ctr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 có tầm quan trọng đặc biệt, tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu của khu vực Ðông - Nam Á trong một số lĩnh vực. Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045.

Những năm qua, thành phố luôn tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4665/QÐ-UBND cùng đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020". Tháng 7-2019, HÐND thành phố đã thông qua Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐND về việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó hỗ trợ 150 doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm với ít nhất 2% số doanh nghiệp gọi vốn, tổng giá trị mua bán, sáp nhập ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, nghị quyết đã xác định năm nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực. Ngoài ra, UBND thành phố đã phê duyệt đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025". Trong các nhóm hỗ trợ nêu trên, về mặt tài chính, thành phố đưa ra hai mức hỗ trợ là 50% kinh phí và 100% kinh phí. Với mức hỗ trợ 50%, thành phố mong muốn các thành phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chung tay, góp sức, thể hiện sự quyết tâm đồng hành để triển khai thành công nghị quyết cũng như những mục tiêu phát triển của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, nội dung sở hữu trí tuệ được TP Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí. Hiện, số lượng bằng sáng chế hằng năm của Việt Nam được cấp còn ít, bởi vậy, nội dung này được hỗ trợ từ hoạt động tư vấn cho tới đăng ký.

Cùng với những cơ chế, chính sách của thành phố, thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô cũng thể hiện sự sáng tạo trong các hoạt động phát triển tư duy, khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2020, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức phát động cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu - Vietchallenge 2020 dưới hình thức trực tuyến; đồng thời tổ chức ký các biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo với các đơn vị phối hợp… thể hiện sự quyết tâm trong công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển, kết nối với các nhà đầu tư…

Tại Ngày hội Ðổi mới sáng tạo Thủ đô - ASEAN Investment Digitalization (số hóa đầu tư ASEAN) được tổ chức ngày 25-11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, thanh niên là những chủ nhân đích thực, người nắm trong tay chìa khóa phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức của Thủ đô trong những năm tới. Ðồng chí kêu gọi thanh niên Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện khát vọng đổi mới sáng tạo, tìm tòi những giải pháp mới cho các vấn đề của Thủ đô, không dừng bước trước những khó khăn, thách thức.

Ðồng chí Vương Ðình Huệ cũng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có nhiều giải pháp quan trọng như: Hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Platform) để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ trung ương, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo; tiếp tục quan tâm phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái sáng tạo quốc gia và quốc tế.

Thành phố sẽ xây dựng các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên mời các doanh nghiệp lớn, có uy tín quốc tế tham gia với vai trò dẫn dắt, định hướng; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo có sản phẩm, công nghệ mới tham gia các trung tâm này; xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, là vùng lõi với hạ tầng hiện đại của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Hà Nội sẽ xây dựng "Mạng lưới Sáng kiến Thủ đô" và phát huy vai trò "Thành phố Sáng tạo" trong chuỗi Thành phố Sáng tạo của UNESCO nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân để phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển.

Bài và ảnh: Mai Thanh