Chủ động ứng phó mùa mưa, bão

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết thủy văn, mùa mưa, bão năm nay dự đoán xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ bất thường; mưa lớn tập trung cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, khắc phục thiên tai.

Dự án nâng cấp tuyến đê tả Bùi đoạn qua xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Trọng Tùng
Dự án nâng cấp tuyến đê tả Bùi đoạn qua xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Trọng Tùng

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và áp thấp gây mưa lớn, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-2018, gần 4.000 hộ dân các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m; hơn 2.000 ha lúa, rau màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều đoạn đê hữu Bùi bị hư hỏng. Ðể chủ động đối phó mùa mưa bão năm nay, nhất là lũ rừng ngang trực tiếp đe dọa hệ thống đê điều, thời gian qua, huyện đã tập trung tu sửa các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, công trình phòng, chống lụt bão bị hư hỏng. Ðại diện lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, những đoạn đê hữu Bùi bị hư hỏng đã được sửa chữa, nhưng nếu mùa mưa năm nay nước sông Bùi vẫn dâng cao hơn 7 m thì nước vẫn tràn qua đê. Vì thế, huyện đã chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các điều kiện về hậu cần, lương thực, nước uống cho người dân các xã vùng hữu Bùi.

Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng đang tích cực triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, khắc phục các hư hỏng, sự cố hồ đập, xây dựng phương án phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành. Sở Xây dựng lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tai, cây xanh bị gãy, đổ và kế hoạch giải tỏa, khắc phục cây sau mưa bão. Công ty Thoát nước Hà Nội xây dựng kế hoạch thoát nước mùa mưa; triển khai khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, kênh dẫn, cống ngầm để tăng khả năng tiêu thoát. Công ty lập phương án, kế hoạch chi tiết khi xảy ra mưa lớn tại 13 điểm úng ngập thường xuyên, sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực để thu gom rác thải, khơi thông hố ga thu nước, mở nắp hố ga và cảnh báo, hướng dẫn phương tiện giao thông khi cần thiết.

Theo nhận định của Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mùa mưa bão năm nay khu vực TP Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ một đến hai cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tập trung vào tháng 7, tháng 8. Toàn mùa mưa có từ sáu đến tám đợt mưa lớn, với tổng lượng mưa từ 1.250 đến 1.450 mm, thấp hơn trung bình các năm trước. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ trên sông Ðà, hạ lưu sông Hồng, sông Ðuống vào tháng 7, tháng 8, trên sông Ðáy vào tháng 8, tháng 9, phù hợp quy luật nhiều năm. Tuy nhiên, Ðài Khí tượng - Thủy văn cảnh báo, thời tiết thủy văn năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa lớn, nắng nóng gay gắt kéo dài. Bão lũ có diễn biến bất thường, mưa lớn với cường độ mạnh, trong thời gian ngắn gây ngập úng tại đô thị và các vùng trũng thấp, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân. Ðáng chú ý, Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhấn mạnh một vấn đề cấp bách trong năm 2019 và các năm tiếp theo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra khó lường về tần suất và thời gian xuất hiện, kéo theo nhiều nguy cơ về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, gây hậu quả lớn.

Để chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 14-4-2019 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; kiện toàn các tổ chức, xây dựng phương án, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết. Các địa phương và công ty thủy lợi kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn, sửa chữa các hư hỏng. Tu sửa máy móc, thiết bị, sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng. Chi cục Ðê điều và phòng, chống lụt bão thành phố đã xác định ba trọng điểm, 13 điểm xung yếu. Phó Chi cục trưởng Chi cục Ðê điều và phòng, chống lụt bão TP Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án hộ đê đối với từng trọng điểm, điểm xung yếu. Ðến nay, phần lớn các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch thu quỹ phòng, chống thiên tai. Tính đến đầu tháng năm, tổng số quỹ đạt gần 70 tỷ đồng, giúp các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện kế hoạch chi cho phòng, chống thiên tai.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, UBND các cấp, các sở, ngành cần kiện toàn ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai bảo đảm sát thực tế, chủ động trong mọi tình huống. Chuẩn bị chu đáo phương tiện, vật tư, nhân lực để thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24 giờ trong ngày để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường xử lý các vi phạm đê điều, công trình phòng, chống thiên tai.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo như hiện nay, hy vọng mùa mưa bão năm nay TP Hà Nội sẽ chủ động trong mọi tình huống, giảm thấp nhất các thiệt hại.