Chặng đường mới trong nghiên cứu về Hà Nội

Với mục đích xây dựng một kho dữ liệu toàn diện về các mặt: Lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội… của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội giao Nhà xuất bản Hà Nội điều tra, sưu tầm, xuất bản “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đến nay, Tủ sách đã xây dựng được một khối lượng tư liệu đồ sộ, từ đó, chọn lọc, biên soạn và xuất bản 137 bộ sách, gồm 213 tập phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến kiến thức về Thăng Long - Hà Nội.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày những cuốn sách quý trong "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến".
Các đại biểu tham quan gian trưng bày những cuốn sách quý trong "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến".

Xây dựng một kho tư liệu về Thăng Long - Hà Nội suốt tiến trình lịch sử, bao quát tất cả các lĩnh vực: Địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội… là một nhiệm vụ lớn được Thành ủy, UBND thành phố giao cho Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội thực hiện nhằm cung cấp tư liệu cho giới nghiên cứu, cho bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc. Dự án được bắt đầu từ năm 2006, gồm hai hạng mục chính: Điều tra, sưu tầm tư liệu và biên soạn, xuất bản sách về Thăng Long - Hà Nội. Năm 2010, giai đoạn I của dự án được ra mắt với 97 bộ sách, 139 tập. Tuy nhiên, kho tư liệu về Thăng Long - Hà Nội vẫn còn nằm trong các thư viện, trong các bộ sưu tập sách của nhiều tổ chức, cá nhân; nhất là tư liệu của các nước phương Tây vẫn còn chưa được khai thác. Từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Phần Hà Nội mở rộng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bởi vậy, TP Hà Nội giao NXB Hà Nội triển khai giai đoạn II của dự án từ năm 2013 đến nay. Ở giai đoạn II, NXB Hà Nội đã tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ trung ương, địa phương, tập trung nghiên cứu về Hà Nội mở rộng và sưu tầm, biên soạn các tư liệu về Hà Nội của châu Âu.

Xây dựng một bộ tư liệu toàn diện về các mặt từ tự nhiên đến xã hội của Hà Nội là điều chưa có tiền lệ. Để đáp ứng yêu cầu này, NXB Hà Nội đã thành lập Hội đồng Tư vấn khoa học, với Chủ tịch là GS Vũ Khiêu; đồng thời, huy động 300 nhà khoa học, là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực. Các nhà khoa học đã điều tra những nguồn tư liệu mà ở đó có thể có tư liệu về Thăng Long - Hà Nội, sau đó, tổ chức sưu tầm. Từ đó, chọn lọc để biên soạn, xuất bản thành sách. Giai đoạn II của dự án Tủ sách đã cho ra mắt 40 bộ sách, gồm 74 tập, với 154 nghìn trang tư liệu, đưa tổng số sách đã xuất bản trong hai giai đoạn lên tới 137 bộ, 213 tập. Trong đó, sách lịch sử có 10 bộ, địa lý có bốn bộ, chín bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảy bộ về văn học, nghệ thuật… Tủ sách còn xuất bản thêm nhiều sách phổ thông phục vụ bạn đọc các lứa tuổi, thành phần. GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” cho biết: “Nếu chỉ vài năm trước, không ai có thể tưởng tượng rằng, các nhà khoa học đã làm việc để cho ra đời một bộ tư liệu, từ đó, biên soạn một bộ sách đồ sộ đến vậy. Đây thật sự là tập đại thành về Thăng Long - Hà Nội, là cơ sở để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, phổ biến kiến thức về Thăng Long - Hà Nội”.

Trong các công trình quan trọng của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, có nhiều cuốn sách giá trị, được nghiên cứu công phu với những chiều cạnh khác nhau. Có thể kể đến là “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” (gồm 17 tập, nhiều tác giả), “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” (10 tập, PGS Vũ Văn Quân biên soạn); “Lịch sử Hà Nội cận đại (1883-1945)” (GS, TS Phạm Hồng Tung và PGS, TS Trần Viết Nghĩa biên soạn); “Kẻ sĩ Thăng Long” (Bằng Việt)…

Khoảng từ thế kỷ 17 đến 18, nhiều giáo sĩ, nhà buôn châu Âu đã đến Thăng Long - Kẻ Chợ và có những ghi chép quý về Hà Nội thời bấy giờ. Giai đoạn I của Dự án xây dựng Tủ sách, NXB Hà Nội đã điều tra, sưu tập và xuất bản một số tư liệu, nhất là nguồn tư liệu của Pháp. Ở giai đoạn II, NXB Hà Nội đã tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh tại các nước châu Âu. Quá trình này đã khai thác được 9.000 trang tư liệu quý của châu Âu về Thăng Long - Kẻ Chợ. Từ kho tư liệu của nước ngoài này, PGS Hoàng Anh Tuấn đã lựa chọn, biên soạn thành hai bộ sách “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1672-1697)” dày 708 trang và “Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1637-1700)” dày 624 trang. Đây là những tư liệu quý, góp phần giúp giới nghiên cứu, cũng như độc giả hoàn thiện hơn cái nhìn về Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17 qua cái nhìn khách quan của người nước ngoài. PGS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Những nguồn sử liệu Việt Nam từ thế kỷ 16 đến 18 thường chú trọng nhiều đến đời sống chính trị, cung đình hơn là kinh tế - xã hội, vì vậy, các nguồn tư liệu lưu trữ phương Tây rất quý giá, bổ khuyết cho khối tư liệu trong nước”.

Tổng Giám đốc NXB Hà Nội Lê Tiến Dũng cho biết, những tác phẩm mới của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ tiếp tục được đưa đến hệ thống thư viện của Hà Nội và toàn quốc, các trường học; đồng thời, thường xuyên trưng bày, giới thiệu với bạn đọc. Để lưu giữ lâu dài, phục vụ cho công tác phổ biến, NXB đã số hóa toàn bộ sách và tư liệu thuộc giai đoạn I của dự án, đang tiếp tục số hóa sách và tư liệu của giai đoạn II. Đến nay, đã số hóa được hơn 200 nghìn trang sách. Đây là điều kiện thuận lợi để công chúng có thể tiếp cận tư liệu về Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng kỹ thuật số. Với hệ thống dữ liệu đồ sộ, nhiều tư liệu quan trọng đã được xuất bản thành sách, “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giúp bạn đọc hiểu về Hà Nội sâu sắc hơn; từ đó kế thừa, phát huy truyền thống để phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch.