Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tại Hà Nội

Cần linh hoạt, tinh gọn và hiệu quả

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Nâng cao chất lượng, nhấn mạnh thực chất

Sau hơn ba năm triển khai, TP Hà Nội đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế đã phát sinh những khó khăn, cần có hướng giải quyết kịp thời, dứt điểm, để việc kiện toàn, cơ cấu lại đội ngũ, tinh gọn bộ máy thật sự hiệu lực, hiệu quả.

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Bước đầu tạo hiệu ứng trên diện rộng

Hiện Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 sở và cơ quan tương đương, sau sắp xếp giảm một cơ quan hành chính ngang sở (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng); giảm 49 phòng (từ 208 xuống còn 159 phòng); giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Thành phố đã thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, huyện Ba Vì có thêm Phòng Dân tộc do có bảy xã dân tộc miền núi. Ðồng thời thí điểm lập Ðội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện; kiện toàn, sắp xếp 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố còn 28 ban, giảm 74 ban (72,5%).

Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, UBND thành phố Hà Nội đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp. Cụ thể, số đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm 121 đơn vị (từ 401 xuống 280 đơn vị). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm 110 đơn vị (từ 206 xuống còn 96 đơn vị). TP Hà Nội cũng đang sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

Ðồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh tinh giản biên chế làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Kết quả, từ năm 2016 đến tháng 4-2019, thành phố đã phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế 17 đợt với 851 người. Trong đó, có 805 người nghỉ hưu trước tuổi, cho thôi việc 46 người. Chỉ riêng các cơ quan, đơn vị thực hiện sáp nhập, thành phố đã cắt giảm 668 biên chế sau khi sắp xếp.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết: Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của TP Hà Nội đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, toàn diện, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở địa phương để thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bước đầu đi vào ổn định. Hà Nội được đánh giá là địa phương triển khai nghiêm túc, chủ động, sáng tạo, với nhiều cách làm hay, dân chủ, được Trung ương đánh giá cao và nhiều tỉnh, thành phố đến trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Không nên là phép cộng số học

Không thể phủ nhận những kết quả TP Hà Nội đã đạt được sau hơn ba năm triển khai tinh giản biên chế, rà soát, cơ cấu lại đội ngũ. Tuy nhiên, hầu hết việc sáp nhập đều được thực hiện theo phép cộng số học (gộp toàn bộ con người, cơ sở vật chất, tài chính...), cho nên trong quá trình hoạt động đã phát sinh những khó khăn từ thực tiễn cần có hướng giải quyết phù hợp. Ðã xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” sau sáp nhập, khi chế độ đãi ngộ, thu nhập không bảo đảm đời sống của người lao động.

Những vướng mắc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là một thí dụ. Ban được hình thành trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng bảy ban Quản lý dự án cũ, và được giao 283 dự án, trong đó có 187 dự án tiếp nhận từ các ban cũ (có 136 dự án phải quyết toán, xử lý tồn đọng hoặc đóng mã dự án); 96 dự án mới được giao triển khai. Do nhiều dự án từ các ban quản lý cũ chưa được quyết toán, cộng với việc tiếp nhận tất cả các tài khoản tài chính, trong đó có những khoản nợ lên tới hàng chục tỷ đồng, cho nên việc bảo đảm tài chính cho ban mới rất khó khăn. Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chia sẻ: Việc tiếp nhận toàn bộ viên chức, người lao động tại bảy ban quản lý dự án cũ cho nên đơn vị gặp khó khăn trong việc sắp xếp theo đề án vị trí việc làm cũng như tuyển dụng mới. Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của Ban đến nay đã giảm 135 người (thời điểm hợp nhất là 452 người, hiện còn 317 người). Ðiều đáng tiếc là có đến 91 người trong số 135 người nghỉ việc ở Ban đều là những người có trình độ, kinh nghiệm, thâm niên công tác và chuyên môn. Nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ, các chế độ về thu nhập không bảo đảm nhu cầu đời sống viên chức, người lao động. Thậm chí, Ban còn phải vay ngân sách để trả lương cho cán bộ và hiện Ban còn nợ hơn một tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố, sau hợp nhất trình độ chuyên môn của các cán bộ, nhân viên không đồng đều, chưa sắp xếp được theo đúng đề án vị trí việc làm. Do sáp nhập nguyên trạng cho nên trụ sở làm việc của ban bị phân tán, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhân sự.

Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Tại một số ban quản lý dự án sau sáp nhập, đầu mối giảm, số người giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm, thậm chí xảy ra “chảy máu chất xám”. Vì vậy, cần đánh giá lại hiệu quả của mô hình này, nếu không sẽ ảnh hưởng công tác quản lý nhà nước cũng như hiệu quả làm việc. Mục tiêu giảm 10% chỉ tiêu biên chế đồng loạt tại tất cả các đơn vị cũng nên được rà soát cho phù hợp thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Tránh duy ý chí, giảm biên chế để chạy theo thành tích.

Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển. Trong quá trình triển khai, Hà Nội cần có những bước đi phù hợp, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải đi vào thực chất, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức cần được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng “viên chức, công chức cả đời”.

(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7-6-2019.