Cải cách hành chính bám sát yêu cầu của chính quyền đô thị

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ trọng tâm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội, mới đây, Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Cải cách hành chính qua các thời kỳ - Những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của TP Hà Nội". Các ý kiến đã đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được trong thời gian qua, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để tiếp tục CCHC trong thời gian tới.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thành Nguyễn
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, chính quyền thành phố luôn nhận thức tầm quan trọng của công tác CCHC. Lĩnh vực này được tiến hành từng bước, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, chọn các khâu đột phá của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả", "một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt". Nhờ đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và có chuyển biến rõ rệt: Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) ba năm 2017, 2018, 2019 xếp thứ hai cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất). Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số phát triển công nghiệp CNTT, đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Ðặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp, có tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đạt 97%.

Tuy nhiên, công tác CCHC còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội đang đứng ở vị trí thấp; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) đạt hơn 80%, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, nhưng còn thấp hơn so với mức trung bình chung cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) chưa đồng đều; một số CBCC vi phạm nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử; thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tuy bước đầu có kết quả, nhưng hiệu quả chưa cao. Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh còn thiếu, nhất là các quy định về cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động, vận hành của các cơ quan, đơn vị. Do đó, rất cần có những giải pháp, cách làm mới trong thời gian tới.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, từ năm 1992 đến nay, Ðảng bộ TP Hà Nội đã rất chú trọng cải cách hành chính vì nhân dân, luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá chiến lược, một trong những chương trình công tác lớn của các nhiệm kỳ đại hội xuyên suốt từ Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 12 đến nay. Trong bối cảnh mới, CCHC phải đồng bộ trong quan hệ với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chính quyền đô thị, Thành phố thông minh, sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ, đồng đều trong các chỉ số. Hà Nội có nhiều chỉ số rất cao, song cũng có những chỉ số đang còn thấp. Không thể đổi mới, cải cách kinh tế hiệu quả, nếu không đẩy mạnh CCHC.

Tiến sĩ Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội cho rằng, quan trọng là tạo ra sự thay đổi nhận thức của các sở, ngành, địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Có nhiều giải pháp để CCHC nhưng trong đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cũng như cấp phó của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại để làm cơ sở xem xét, đánh giá và xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức trong trường hợp để xảy ra sai phạm hoặc chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có CBCC có hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Ðề cập những kết quả đạt được cùng những hạn chế của một số chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Ðặng Vũ Tuấn cho rằng, đội ngũ làm công tác cải cách hành chính cần tập trung phân tích kỹ số liệu trên cơ sở có định lượng rõ ràng, chứ không định tính. Qua đó, đánh giá được chính xác thực trạng và đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Hà Nội có 8,2 triệu dân, nhưng thực tế có hơn 10 triệu người đang sinh sống, cho nên để điều hành, xây dựng Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo là một mục tiêu rất vất vả, khó khăn, cần rất nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu của công cuộc CCHC đặt ra rất cấp thiết. Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng công khai các thủ tục hành chính công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.