Bỏ kiểm tra một tiết, tăng đánh giá, nhận xét

Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) sẽ được áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá như qua thực hiện dự án, hoạt động nhóm, bài thực hành... Trong đó, thay đổi lớn nhất là bỏ bài kiểm tra 1 tiết, nhưng tăng đánh giá, nhận xét cho từng môn học của học sinh.

Giờ học tại Trường THPT Ðoàn Thị Ðiểm. Ảnh: Hà Thu
Giờ học tại Trường THPT Ðoàn Thị Ðiểm. Ảnh: Hà Thu

Bắt đầu từ ngày 11-10-2020, tất cả các trường THCS, THPT cả nước sẽ áp dụng những quy định mới về đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 26/2020/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT). Theo đó, trong mỗi học kỳ, học sinh sẽ có điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá định kỳ. Riêng với loại kiểm tra đánh giá định kỳ, mỗi môn học có một điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và một điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra một tiết. Ðây cũng là quy định mới, làm giảm đáng kể số đầu điểm kiểm tra các môn học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT yêu cầu đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập với mục tiêu nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh.

Chia sẻ về những điểm mới này, cô giáo Vũ Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ðoàn Thị Ðiểm (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Ngày 16-9, Sở GD và ÐT Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các trường triển khai quy định mới về đánh giá xếp loại học sinh THPT theo Thông tư 26. Có thể nói, việc đổi mới này rất phù hợp với thực tế, yêu cầu giảng dạy của nhà trường. Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét của giáo viên trong cả quá trình học tập từng môn học đã được Trường THPT Ðoàn Thị Ðiểm triển khai nhiều năm nay". Phân tích về ưu điểm trong cách thức kiểm tra, đánh giá mới này, cô giáo Vũ Thị Phương Anh cũng cho rằng, việc giảm đầu điểm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ giúp giảm nhẹ hơn áp lực học tập, thi cử cho học sinh. Thay vào đó, sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn, kết hợp với kiểm tra đánh giá định kỳ, đánh giá bằng nhận xét tạo cơ hội để giáo viên ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của học sinh trong học tập, rèn luyện. Trước đây, điểm số các bài kiểm tra được coi là cách đánh giá duy nhất tư duy và sự nỗ lực của học sinh. Tuy nhiên, cách đánh giá này không đáp ứng được yêu cầu khách quan, toàn diện quá trình học tập của mỗi cá nhân. "Việc đánh giá qua các phần thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập hay qua bài thực hành; dự án học tập sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, mạnh dạn hơn khi tham gia trong các hoạt động phong trào của trường, nghiên cứu khoa học, phát triển được năng lực sáng tạo, sở thích của bản thân. Thông qua đó, giáo viên có thể đánh giá khách quan hơn sự tiến bộ và năng lực tư duy của học sinh" - cô Vũ Thị Phương Anh chia sẻ.

Một băn khoăn khi triển khai là mặc dù giáo viên được giảm áp lực chấm bài và ra đề kiểm tra một tiết các môn học, nhưng lại phải tăng cường đánh giá bằng nhận xét tất cả các môn với mỗi học sinh. Ðiều này đòi hỏi giáo viên phải quan tâm, sâu sát và nắm bắt học sinh rất kỹ để ghi nhận sự tiến bộ, cũng như chỉ rõ nhược điểm để các em điều chỉnh. Trong khi đó, đối với một giáo viên bộ môn phụ trách nhiều lớp học, mỗi lớp lại có từ 40 đến 50 học sinh thì việc nắm bắt từng cá nhân học sinh không phải là điều dễ thực hiện.

"Quy định mới đều cần có thời gian nghiên cứu, triển khai. Thực tế giáo viên cũng có rất nhiều cách làm như chia nhóm học sinh để đánh giá, tập trung đánh giá những học sinh có sự phát triển vượt bậc hay những học sinh tụt hậu, cần được quan tâm, giúp đỡ…" - thầy giáo Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD và ÐT quận Tây Hồ cho biết. "Việc đánh giá bằng điểm số là cách để phân loại học sinh giỏi, khá hay trung bình, còn đánh giá bằng nhận xét là để ghi nhận quá trình học tập của học sinh đã tiến bộ hay chưa, có những điểm gì cần thay đổi rút kinh nghiệm để học tốt hơn. Giáo viên cần hiểu rõ mục đích của việc đánh giá, xếp loại, từ đó có định hướng đúng trong quá trình thực hiện, tránh rơi vào tình trạng làm theo hình thức, làm cho đủ đầu điểm".

Đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá là chủ trương thể hiện xu hướng khách quan và tất yếu trong đổi mới giáo dục. Giáo viên không còn cách nào khác là phải chủ động, đánh giá học sinh bằng năng lực. Giáo viên cần vận dụng sáng tạo để nghĩ ra các hình thức kiểm tra mới, nhưng vẫn bảo đảm tính công bằng, khách quan, tạo hứng thú và thói quen chủ động cho học sinh trong quá trình học tập mỗi môn học.