Bên tượng đài liệt sĩ

Tháng 7, xen giữa những ngày nắng nóng, oi bức là những trận mưa rào, báo hiệu đất trời dần chuyển sang thu. Cuốn lịch treo tường vơi đi hơn một nửa, dần tiến tới những tháng ngày bận rộn cuối năm. Không khí kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ đến gần.

Khắp xóm thôn, khu phố, cụm dân cư đồng loạt triển khai các hoạt động sôi nổi thiết thực đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Mấy mươi năm trải qua chiến tranh "bom rơi, đạn nổ", trên mỗi nẻo đường Tổ quốc, có biết bao Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Không ít người may mắn sống sót trở về nhưng phải gửi lại chiến trường ác liệt cả tuổi thanh xuân và một phần máu xương. Vết thương trên da thịt những người chiến sĩ có thể lành lặn, nhưng nỗi đau để lại cho nhiều thế hệ chưa thể nguôi ngoai. Dân tộc ta, nhân dân ta đời đời khắc ghi công lao to lớn của những người con ưu tú ấy.

Tại Hà Nội, có một công trình tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh của các thế hệ thương binh, liệt sĩ chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ðó là Ðài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Hơn 25 năm trôi qua, được khánh thành đúng dịp Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày 7-5-1994, công trình Ðài tưởng niệm nằm trong khuôn viên thoáng rộng trở thành nơi cán bộ, nhân dân thành kính dâng hương, tưởng niệm. Vào buổi tối, ánh sáng lung linh huyền ảo từ Ðài tưởng niệm như tạo sự giao hòa giữa quá khứ với hiện tại, giữa tâm linh và đời thực.

Nơi nơi diễn ra hàng loạt những hoạt động bày tỏ lòng biết ơn cao cả đối với các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, như tổ chức lễ mít-tinh, gặp mặt động viên, sẻ chia, thăm hỏi, trao quà. Nhiều địa phương tổ chức biểu dương, khen thưởng những tấm gương thương binh vượt khó; gia đình chính sách gương mẫu; con em liệt sĩ, thương binh nỗ lực trong học tập, công tác. Nhớ lời Bác dạy: Thương binh "tàn mà không phế", không ít thế hệ cựu chiến binh mang thương tích trên thân thể vẫn gắng sức vươn lên chiến thắng bệnh tật, làm giàu cho bản thân, gia đình, giáo dục con cháu giữ vững truyền thống cha ông.

Dịp này, ở các nghĩa trang liệt sĩ, các đài tưởng niệm trong cả nước đều đón nhận dòng người xếp hàng vào thắp hương tri ân. Ai nấy đều tỏ lòng thành kính sâu sắc khi bước chân tới đài tưởng niệm của địa phương mình. Ðài tưởng niệm ở ngoại thành thường khang trang, rộng rãi hơn trong lòng phố. Vài ba lần, tôi có dịp ngang qua khu tưởng niệm ở các xã thuộc huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), thấy đài tưởng niệm thường được bố trí bên hồ nước xanh. Khu tưởng niệm liệt sĩ xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), nằm gần trường học, sân chơi, ngày ngày rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Ðài tưởng niệm ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) kề bên ao làng yên ả, chung quanh cây cối, hoa lá tươi xanh khoe sắc. Trong khi đó, Nhà tưởng niệm liệt sĩ trên phố Hàng Bài lặng lẽ đứng bên các cửa hàng sầm uất, song cũng không kém phần trang trọng…

Sáng tháng 7 nắng hoe vàng, trái ổi đầu mùa rói tươi lấp ló sau vườn, không gian hòa quyện mùi hương trầm thơm ngát bên tượng đài tưởng niệm, thầm biết ơn những người con anh dũng đổ máu xương vì quê hương, đất nước, cho cuộc sống thanh bình, tốt đẹp hôm nay!