Bảo tồn di sản

Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 4: Phát huy hiệu quả nguồn lực, sức sáng tạo của cộng đồng

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố cùng tình yêu di sản của người dân đã góp phần gìn giữ, phát huy kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội. Tuy nhiên, một số bất cập như: Nhiều di tích đang có nguy cơ sập đổ, việc xã hội hóa tu bổ di tích dễ xảy ra sai phạm, cơ chế, chính sách cho nghệ nhân giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể chưa hoàn thiện... đòi hỏi thành phố cần tiếp tục xây dựng, điều chỉnh để những nguồn lực được phát huy hiệu quả lớn nhất.

Các em nhỏ trình diễn thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống.
Các em nhỏ trình diễn thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống.

Đã tròn một năm xảy ra vụ việc đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) bị hạ giải, xây mới bằng bê-tông, nhưng những bài học trong công tác bảo tồn di tích vẫn còn nguyên giá trị. Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, kiến trúc sư Nguyễn Thành Vinh cho rằng, do người dân mong muốn bảo vệ di tích, đã tự nguyện đóng góp tiền, của để tu bổ ngôi đình. Song, do thiếu nhận thức về giá trị di tích, cho nên người dân đã phá cũ, xây mới.

Nguồn lực xã hội hóa góp phần quan trọng trong công tác tu bổ, bảo tồn giá trị di tích. Tuy nhiên, những di tích huy động vốn xã hội hóa lớn cũng là những di tích dễ bị biến dạng, làm mới trong quá trình tu bổ. Điển hình là việc xây mới một số hạng mục chùa Sổ, chùa Bối Khê, chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai); chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)… Trong đó, có một số vụ việc xảy ra trong thời gian dài, nhưng cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương đều “không biết”. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh: “Để người dân tự giác bảo vệ, giữ gìn di tích theo đúng luật là trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa địa phương. Với vụ việc xảy ra ở đình Lương Xá, nếu cán bộ văn hóa địa phương có trình độ, luôn sâu sát thực tế thì sai phạm đã không xảy ra”. Nguồn lực xã hội hóa đóng vai trò quan trọng, nhưng nguồn lực đó chỉ phát huy tính tích cực khi được quản lý chặt chẽ, tuân thủ đúng pháp luật.

Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Xã hội hóa kinh phí tu bổ là giải pháp cơ bản để giải quyết tình trạng này. Song theo Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố do UBND thành phố Hà Nội ban hành kèm Quyết định 48/2016/QĐ-UBND, thì những di tích tu bổ bằng nguồn xã hội hóa phải làm rõ nguồn vốn, cũng như có cam kết tính khả thi của việc huy động, mới được xét duyệt thực hiện. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, người dân thường đợi chủ trương của cấp trên về tu bổ, rồi mới ủng hộ. Bên cạnh đó, khi tu bổ, nhiều người dân muốn đóng góp vật liệu thay cho tiền mặt, nhưng các quy định hiện tại chưa cho phép tiếp nhận hiện vật. Trong khi đó, việc huy động vốn xã hội hóa cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gặp khó khăn. Những vấn đề này đòi hỏi thành phố cần có những đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động, quản lý phù hợp yêu cầu của thực tiễn.

Thành phố Hà Nội hiện có bảy Nghệ nhân Nhân dân và 69 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều hình thức tôn vinh, tạo điều kiện cho các nghệ nhân hoạt động. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân vẫn chưa thỏa đáng. Hiện tại, chỉ những nghệ nhân có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức lương cơ sở mới nhận được hỗ trợ hằng tháng, căn cứ vào Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Ở Hà Nội, giá cả sinh hoạt cao, một số nghệ nhân có thu nhập vượt mức quy định không đáng kể, nhưng vẫn không được nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nghệ nhân Nhân dân Lương Tất Tố chia sẻ: Thu nhập của tôi vượt mức quy định rất ít, phải “co kéo” rất nhiều mới đủ sống. Mong rằng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để nghệ nhân bớt khó khăn, có thể toàn tâm, toàn ý với việc gìn giữ, trao truyền di sản.

Đối với việc giáo dục di sản, việc Sở Giáo dục và Đào tạo ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội để học sinh học tập, trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là nền tảng cho hoạt động giáo dục di sản trong nhà trường. Tuy nhiên, kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội rất đồ sộ, hai di sản nêu trên dẫu quan trọng, vẫn chưa “thấm vào đâu”. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các sở, ngành, địa phương. Hiện tại, khoản hỗ trợ cho hoạt động giáo dục di sản tùy thuộc vào sự quan tâm của từng địa phương, nơi có, nơi không. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai) đề nghị các cấp chính quyền sớm có chính sách đồng bộ hơn để hỗ trợ nghệ nhân duy trì các lớp bồi dưỡng, trao truyền di sản. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất, ngoài chính sách chung, thành phố nên xây dựng chính sách đặc thù để các nghệ nhân cải thiện cuộc sống, yên tâm cống hiến; xây dựng chính sách để hỗ trợ những lớp giáo dục di sản.

Lịch sử, văn hóa Thủ đô bắt đầu từ hàng nghìn năm về trước. Gìn giữ những di tích, di sản để giúp mỗi người hiểu thêm về lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố. Việc nối tiếp mạch chảy văn hóa đó góp phần tạo nên phẩm cách con người Hà Nội thời hiện đại. Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhất là từ các nghệ nhân hay người dân trong công tác bảo tồn, phát huy và trao truyền giá trị di sản một lần nữa khẳng định những chủ trương đúng đắn mà Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nếu ví Chương trình là bộ khung, thì những nỗ lực của mỗi cá nhân chính là những viên gạch nhỏ để “công trình” văn hóa đồ sộ ấy trường tồn.

Đất nước và Thủ đô đang bước vào thời đại 4.0, thế giới phẳng… Nhiều cơ hội đi kèm những thách thức đặt ra cho lĩnh vực bảo tồn di sản, đòi hỏi cần có nhận thức mới trong công tác bảo tồn. Di sản tạo nên sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, thành phố đã khai thác thành công giá trị di sản để phát triển du lịch. Di sản còn là nền móng, là cảm hứng để các nhà thiết kế, nghệ sĩ… cho ra đời những tác phẩm, sản phẩm của công nghiệp văn hóa - ngành kinh tế phù hợp điều kiện của các đô thị hiện đại. Trong bối cảnh ấy, bảo tồn phát huy giá trị di sản là một trong những nhân tố chủ chốt để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo. Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách đi trước cả nước về văn hóa nói chung, trong gìn giữ di sản nói riêng. Song, hệ thống ấy cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hiệu quả nhất nguồn lực, sức sáng tạo của cộng đồng, đưa Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo nổi bật trong khu vực và trên thế giới.

-----------------------------

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra từ ngày 9-7-2019.