Bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối

Không nằm ngoài dự đoán của giới khoa học, cuộc khai quật khảo cổ tiến hành từ tháng 4-2019 đến nay tại di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội) đã đem lại những kết quả ngoài mong đợi, với lượng di vật đồ sộ, thuộc nhiều loại hình, trải dài qua nhiều giai đoạn văn hóa. Việc bảo tồn di chỉ này là một đòi hỏi cấp thiết, để lưu giữ những bằng chứng lịch sử về sự phát triển của dân tộc ta nói chung, cũng như tiến trình lịch sử Hà Nội nói riêng.

Một điểm thăm dò, khai quật tại Cụm di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: MẠNH THẮNG
Một điểm thăm dò, khai quật tại Cụm di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: MẠNH THẮNG

Tiếp tục làm rõ giá trị nổi bật

Vườn Chuối là một phức hợp di chỉ khảo cổ lớn, với nhiều địa điểm đã phát lộ hiện vật khảo cổ cũng như được khai quật nghiên cứu. Ðây là một "mỏ vàng" của khảo cổ học Việt Nam, một trong những di chỉ có giá trị bậc nhất của cả nước. Cả tám lần khai quật từ năm 1969 đến nay, lần nào cũng thu được nhiều di vật, là minh chứng cho quá trình cư trú, phát triển của người Việt cổ suốt một thời gian dài trong 15 thế kỷ, cách đây từ khoảng 2.000 đến 3.500 năm, trải dài qua sự phát triển của các nền văn hóa Phùng Nguyên (giai đoạn muộn), Ðồng Ðậu, Gò Mun và Ðông Sơn. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, di chỉ này được "quy hoạch" để xây dựng khu đô thị. Ðầu năm 2019, huyện Hoài Ðức tổ chức thi công đường vành đai 3,5, khiến nhiều diện tích của di chỉ có nguy cơ bị ảnh hưởng, thậm chí xóa sổ. Trước thực tế đó, tháng 4-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp Ban quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật 200 m2 và thăm dò 75 hố, mỗi hố 4 m2 tại gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng.

Ngày 22-10, Viện Khảo cổ học đã công bố kết quả khai quật trong thời gian qua. Trên diện tích khai quật, thăm dò khoảng 500 m2, các nhà khoa học thu thập được một lượng rất lớn di vật khảo cổ, chủ yếu là các chất liệu: đồng, đá, gốm. Trong đó, có tới hơn 1.000 hiện vật đá, thuộc đủ các chủng loại: dụng cụ lao động (rìu bôn, bàn mài…), đồ trang sức (vòng, khuyên tai, chuỗi hạt)…; 40 hiện vật đồng, gồm công cụ sản xuất, vũ khí… và cả một số xỉ đồng (dấu hiệu của quá trình đúc đồng); nhiều mảnh gỗ, tre có dấu hiệu đẽo, gọt; một số hiện vật xương trâu, bò, vỏ ốc…; những công cụ liên quan đến đan lát, dệt vải, chài lưới và khoảng hơn 100 nghìn mảnh gốm các loại. Những di vật này thuộc về ba giai đoạn văn hóa: Gò Mun, Ðồng Ðậu, Ðông Sơn. Ðáng chú ý, việc phát hiện 10 mộ táng Ðông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố trong diện tích chưa đầy 30 m2. Các hiện vật cho biết nhiều thông tin quý báu về đời sống kinh tế - xã hội của cư dân Việt cổ, như sự phát triển của nghề chế tác đồ đá, đồ gốm, đúc đồng, se sợi dệt vải, sự phát triển của nghề đánh cá… Cũng như trình độ kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân những nền văn hóa Ðồng Ðậu - Gò Mun - Ðông Sơn thông qua những dụng cụ tinh xảo, nhất là những hiện vật là đồ trang sức.

Kỳ vọng về "Công viên khảo cổ"

Những phát hiện trong đợt khảo cổ này một lần nữa khẳng định, di chỉ Vườn Chuối là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn văn hóa từ tiền Ðông Sơn - Ðông Sơn. Quá trình phát triển ấy cho thấy nguồn gốc bản địa của nền văn minh Việt cổ.

Kết hợp những giá trị của những cuộc khai quật khảo cổ trước, các nhà khoa học đề xuất ba phương án bảo tồn. Phương án thứ nhất là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối, khoanh vùng để tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu và đề nghị xếp hạng di tích. Phương án hai dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về di chỉ, xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện; thông báo cho các đơn vị đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 và khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng. Phương án ba là bảo tồn 6.000 m2 nửa phía đông di chỉ; khai quật nghiên cứu 6.000 m2 nửa phía tây di chỉ Vườn Chuối trước khi xây dựng. Ðồng thời xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng di tích. Với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa. Nếu phương án một khó khả thi vì áp lực xây dựng đô thị là rất lớn, khi Hoài Ðức được quy hoạch lên quận; phương án hai không nhận được sự đồng thuận của giới khoa học vì phần lớn diện tích sẽ bị sử dụng để xây dựng. Phương án ba được xem là hài hòa giữa bảo tồn và phát triển hơn cả, khi bảo tồn một phần, cho phép xây dựng một phần, nhưng trước khi xây dựng tiến hành khai quật khảo cổ để làm rõ giá trị.

Ðánh giá về di chỉ Vườn Chuối, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam cho biết, nếu bảo tồn nguyên trạng được toàn bộ phức hợp di chỉ là tốt hơn cả. Thành phố Hà Nội nên xây dựng đây thành một công viên khảo cổ học; kết hợp với xây dựng một bảo tàng giới thiệu những hiện vật khảo cổ đã khám phá tại đây. Phó Giáo sư Lâm Thị Mỹ Dung (Bảo tàng Nhân học) trăn trở, Hà Nội hiện không có di chỉ tiền sử, sơ sử được bảo tồn, khai thác một cách hiệu quả. Thành phố cần khẩn trương hành động để di sản không bị biến mất. Như vậy, giá trị khoa học của khu vực di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã từng bước được làm rõ. Các nhà khoa học cũng đã đề xuất những phương án khác nhau để thành phố lựa chọn. Thực tế, việc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã phải "chờ" quá lâu mà chưa có biện pháp bảo tồn, chưa được công nhận di tích. Bởi vậy, thành phố Hà Nội cần sớm có phương án, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách phù hợp; đồng thời không làm cản trở quá trình phát triển của đô thị.