Bảo đảm nguồn hàng nông sản cho thị trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tập trung các giải pháp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng nông sản cho thị trường.

Thu hoạch trứng gà ở một trang trại tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: NGỌC MAI
Thu hoạch trứng gà ở một trang trại tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: NGỌC MAI

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Long ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh tất bật thu hoạch củ cải trắng, với sản lượng trung bình mỗi ngày gần một tấn. Anh Long cho biết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, ngay sau khi thu hoạch xong hai sào củ cải này, gia đình tiếp tục làm đất để gieo trồng tiếp. Mặc dù phải sau hơn một tháng nữa lứa củ cải mới cho thu hoạch, nhưng nhờ gia đình trồng gối vụ trên nhiều khu ruộng khác nhau, cả đồng đất ở xã Tráng Việt và đất thuê ở xã Tiền Phong, cho nên vẫn thu hoạch củ cả đều đặn.

Không chỉ gia đình anh Long, trên địa bàn xã Tráng Việt, nhất là tại vựa trồng rau lớn tại thôn Đông Cao, nhiều người dân đang vào vụ thu hoạch nhiều loại rau như cải ngọt, cải ngồng, củ cải trắng, dưa chuột... Đại diện Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho biết, từ tháng 2 đến nay là thời điểm chính thu hoạch các loại rau. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn rau các loại, chưa kể số lượng nông sản lớn khác của người dân trong xã đi thuê đất địa bàn chung quanh để sản xuất. Với số lượng lớn như vậy, các loại rau của HTX không chỉ phục vụ thị trường Thủ đô, mà còn cung ứng cho thị trường một số tỉnh chung quanh Hà Nội như Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 2 việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, nhất là các đại lý phân phối của tỉnh Vĩnh Phúc hạn chế nhập hàng, dẫn đến tình trạng nông sản ùn ứ, giá hạ thấp. Rất may, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng tiêu thụ ổn định trở lại, giá có xu hướng nhích lên, giúp nông dân yên tâm tập trung gieo trồng, mở rộng sản xuất. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, thời gian tới sản lượng rau của HTX sẽ tăng nhanh, kịp thời phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Còn tại huyện Quốc Oai, sau khi bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, khiến địa phương buộc phải tiêu hủy gần 36 nghìn con lợn, huyện sớm tập trung tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi và vệ sinh môi trường; đồng thời chuyển sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 2,6 triệu con gia cầm, thủy cầm, tăng khoảng 500 nghìn con so với năm 2019, trong đó có hơn 130 trang trại tập trung xa khu dân cư chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, với sản lượng hơn 660 nghìn quả trứng/ngày. Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, huyện đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa giá trị cao, bằng việc phát triển các vật nuôi phù hợp từng thời điểm. Cụ thể, khi dịch tả lợn châu Phi lây lan, huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi thủy cầm, gia cầm để không bỏ trống chuồng trại. Sau khi dịch bệnh trên lợn được khống chế, huyện hướng dẫn hộ chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, đàn lợn phát triển được gần 30 nghìn con và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với khoảng 10 triệu dân, trung bình mỗi tháng thành phố tiêu thụ gần 93 nghìn tấn gạo, hơn 18 nghìn tấn lợn hơi, hơn 5 nghìn tấn thịt bò, hơn 6 nghìn tấn thịt gà, vịt, hơn 84 nghìn tấn rau củ… Khả năng đáp ứng tại chỗ của thành phố đối với các loại rau củ, trứng gia cầm được khoảng 65% nhu cầu, các loại thực phẩm còn lại chỉ đáp ứng được từ 15 đến 35% nhu cầu. Tuy nhiên, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của cả nước, nhất là sản phẩm của các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… Hiện nay thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Diện tích hơn 18 nghìn ha đất trồng rau đang trong vụ thu hoạch. Tổng đàn gia cầm khoảng 35 triệu con, hơn 150 nghìn trâu, bò phát triển tốt. Dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế và đàn lợn đã đạt khoảng 1,3 triệu con.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại rau ngắn ngày. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở chỉ đạo ngành thú y hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, tái đàn theo hướng an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, kịp thời phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố để thực hiện các chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo đảm đủ nguồn nông sản an toàn phục vụ thị trường Thủ đô.

Bên cạnh sự nỗ lực đẩy mạnh sản xuất của ngành nông nghiệp, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gia súc, gia cầm, nhất là mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm vệ sinh thú y từ các địa phương khác vào Hà Nội để phòng, tránh dịch bệnh.