Bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh

Liên tục những vụ việc không mong muốn vừa xảy ra tại một số cơ sở giáo dục ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, trong đó có cả những cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Tuy chưa xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nhưng thực trạng này cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong công tác chăm sóc, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh khi tới trường cần phải được khắc phục ngay.

Chia khẩu phần cơm cho học sinh tại Trường tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông. Ảnh: DUY KHÁNH
Chia khẩu phần cơm cho học sinh tại Trường tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông. Ảnh: DUY KHÁNH

Ngày 12-9, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội cho biết, vụ hàng loạt học sinh có hiện tượng ngộ độc thực phẩm tại Trường tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh) đang được gấp rút điều tra làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý đúng quy định. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiên Dương Nguyễn Thị Cúc, sau bữa ăn bán trú tại trường trưa 9-9, đến sáng 10-9, trường có 58 học sinh vắng mặt, trong đó, có 48 học sinh thông báo có biểu hiện buồn nôn, sốt hoặc đi ngoài. Kết luận sơ bộ ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, có 22 học sinh nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột do vi sinh vật, trong đó có bốn học sinh đang nằm viện. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh - đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho trường này. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy nhà kho của hộ kinh doanh này gần khu ô nhiễm (gần nhà vệ sinh), khu vực chế biến có côn trùng xâm nhập, nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được xét nghiệm định kỳ theo quy định. Cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho Trường tiểu học Tiên Dương; đồng thời tổng vệ sinh môi trường nhà trường và cơ sở kinh doanh.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú lên đến 1.600 trường, trong tổng số 2.700 trường. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu. Ngay từ đầu năm học, Sở GD và ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu nhà trường đặc biệt quan tâm tới vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), các điều kiện cần thiết khi tổ chức bếp ăn tại trường để bảo đảm an toàn cho học sinh. Sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trường tiểu học Tiên Dương là lời cảnh báo các cơ sở giáo dục phải chú trọng, chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát vấn đề ATTP cho học sinh bán trú hơn nữa. Ban giám hiệu các trường cần tăng cường tự kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động của bếp ăn tập thể, đồng thời huy động cha mẹ học sinh tham gia giám sát giao nhận thực phẩm, chế biến, chia suất ăn tại bếp ăn...

Cùng thời điểm này, nhiều trường học ở Hà Nội đã chủ động bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, tránh tình trạng bỏ quên học sinh trên xe đưa đón sau sự việc một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) bị bỏ quên trên xe sáng 9-9 vừa qua. Để ngăn chặn tình trạng để quên trẻ trên xe, gây nguy hiểm đến tính mạng học sinh, đại diện lãnh đạo Trường phổ thông Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trường đã bổ sung trang thiết bị cho xe đưa đón học sinh, không để xảy ra tình trạng quên học sinh trên xe. Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ: “Thiết bị đó là còi báo tự động. Khi đưa học sinh đến trường, xe trở về bãi đỗ, lái xe bật khóa điện để tắt máy thì lập tức còi trong xe tự động kêu. Muốn tắt còi thì lái xe phải đến cuối xe để tắt công tắc. Việc gắn còi như vậy buộc lái xe đi kiểm tra xem còn sót học sinh nào trên xe không. Nếu còn học sinh ngủ quên trên xe thì tiếng còi sẽ đánh thức các em dậy”.

Bên cạnh đó, nhiều trường đang tăng cường công tác tập huấn, trang bị cho học sinh trường mình các kỹ năng thoát hiểm trên xe ô-tô khi xảy ra sự cố  ngoài ý muốn. Hệ thống giáo dục Alpha School (huyện Hoài Đức) cho biết, giữa tháng 9, nhà trường sẽ tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng thoát hiểm trên xe ô-tô cho toàn bộ học sinh trong trường bao gồm cách mở cửa sổ, cách ra tín hiệu, bấm còi, đèn khẩn cấp, dùng búa thoát hiểm… Đồng thời cơ sở giáo dục này đã triển khai ứng dụng liên lạc điện tử thông minh Ecostudy trên điện thoại di động, giúp gia đình cập nhật liên tục thông tin về các hoạt động của con tại trường. 

Có thể thấy, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư nghiêm túc của các cơ sở giáo dục. Cần khẳng định, ngoài nhiệm vụ dạy tốt, học tốt, thì công tác bảo đảm an toàn sức khỏe, tinh thần của hàng triệu học sinh cần được ngành giáo dục đặt lên hàng đầu, để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc xảy ra vừa qua tại các cơ sở giáo dục Hà Nội và cả nước.