Ðẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn

Hơn một tháng qua, bốn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ðống Ða, Ba Ðình triển khai phân loại rác thải tại nguồn, đổi rác tái chế lấy quà, bước đầu được người dân hưởng ứng. Việc làm ý nghĩa, thiết thực này rất cần được nhân rộng, góp phần xây dựng Thủ đô sạch, đẹp.

Người dân phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) đổi rác tái chế lấy quà.
Người dân phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) đổi rác tái chế lấy quà.

Hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R được triển khai thí điểm tại TP Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra phân bón vi sinh thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do đó, khi hết nguồn vốn tài trợ thì dự án dừng lại.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai dự án nêu trên, việc phân loại rác thải tại nguồn gắn liền thu gom, xử lý rác tái chế lần này do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) hợp tác với Công ty Unilever, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về công nghệ xử lý. Chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc. Trước đó, hơn 4.500 hộ dân tại ba phường Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ và Cửa Ðông (quận Hoàn Kiếm) đã được đội tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn cách phân loại rác thải tại nhà, gồm rác có thể tái chế và các loại rác còn lại. Rác thải tái chế sau khi phân loại sẽ được thu gom hằng ngày bằng xe rác hai ngăn hoặc người dân có thể dùng điện thoại di động tải phần mềm Mgreen để đặt lịch, gọi người đến thu gom.

Ðiều đáng nói là người dân có thể trực tiếp mang rác tái chế đến các điểm thu gom cố định tại số 282 phố Kim Mã (quận Ba Ðình); số 8 phố Phan Huy Chú, 27 phố Lý Thái Tổ, vỉa hè ngã tư Cửa Ðông - Phùng Hưng, số 44 phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm); điểm trung chuyển Vân Ðồn, gần cây xăng Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) và số 59C phố Hoàng Cầu (quận Ðống Ða) vào sáng thứ bảy hằng tuần để đổi lấy các loại quà tặng như: nước rửa bát, nước lau sàn nhà, bột giặt, xà phòng, kem đánh răng…

Chương trình đổi rác tái chế lấy quà chính thức triển khai từ ngày 5-9 và đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Ngay trong một buổi sáng, lượng rác tái chế thu đổi được là hơn 3.500 kg, cùng với đó, có hơn 800 suất quà là các túi đựng rác tái chế và sản phẩm tiêu dùng được trao tặng cho người dân. Chị Phạm Thanh Hà, sinh sống tại phố Hàng Ðiếu chia sẻ, cả gia đình chị, nhất là hai cháu nhỏ đều vui vẻ, hào hứng tham gia phân loại rác thải tại nhà để đổi quà. Qua đó, lượng rác thải vứt bỏ của gia đình hằng ngày cũng giảm đáng kể, từ 20 đến 30%. Các món quà tặng tuy giá trị không lớn, nhưng rất có ý nghĩa.

Theo đại diện URENCO, trung bình mỗi ngày người dân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó các loại rác thải nhựa chiếm khoảng 8 đến 10%. Thế nhưng, việc thu gom, tái chế còn rất hạn chế, để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường nếu không được xử lý đúng quy trình. Trước đây, thành phố thực hiện phân loại rác thành ba loại, tái chế, hữu cơ và vô cơ, phù hợp với công nghệ xử lý rác thải là chôn lấp và sản xuất phân vi sinh. Công nghệ xử lý rác thải chôn lấp hiện nay đã không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các bãi rác đã quá tải. Ðể giải quyết vấn đề này, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Nam Sơn, với công nghệ hiện đại, ít tác động đến môi trường, dự kiến hoạt động cuối năm nay. Rác thải sinh hoạt cần được phân loại thành rác tái chế, rác đốt được và không đốt được, phù hợp với công nghệ xử lý rác thải của nhà máy. Vì thế, việc phân loại rác, đổi rác tái chế lấy quà tặng giúp người dân nhận biết được các loại rác tái chế và không thể tái chế, giảm lượng rác thải, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và sự cần thiết phải phân loại rác thải tại nguồn; đồng thời là bước chuẩn bị quan trọng để phân loại rác khi nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động.

Để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trở thành việc làm thường xuyên, thói quen của mỗi người dân, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ cùng vào cuộc. Ðẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy đốt rác phát điện theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các công ty vệ sinh môi trường tăng cường tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân phân loại rác thải; đổi mới công nghệ thu gom rác thải, chủ động phục vụ hoạt động nhà máy đốt rác.

Bài và ảnh: Minh Vân