Ðánh thức phế tích "ngủ quên"

Cách đây gần 100 năm, người Pháp xây dựng nhiều biệt thự trên núi Ba Vì làm nơi nghỉ dưỡng. Sau một thời gian dài bị quên lãng, những biệt thự đã trở thành phế tích. Mấy năm gần đây, những bức tường rêu phong, cây cối mọc rậm rì lại trở thành điểm khám phá hấp dẫn với khách tham quan vùng núi Ba Vì. Ðó là lý do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tìm giải pháp để khai thác di sản kiến trúc này.

Chỉ cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60 km, với núi non hùng vĩ, thiên nhiên hoang sơ, Vườn quốc gia Ba Vì là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng với người Hà Nội. Trong hành trình du lịch ở khu vực này, các khách du lịch đều muốn khám phá các phế tích biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cách đây khoảng 100 năm. Hầu hết các biệt thự đã sụp đổ, nhưng vẫn còn những khung cửa sổ, bức tường rêu phong. Dưới những tán cây um tùm, thi thoảng có những khoảng nắng, những đám mây sà xuống khiến các biệt thự luôn có không gian huyền ảo. Nhiều người đến đây để "săn" mây, sương vào lúc sáng sớm và chiều tối. Trong số những phế tích, khu vực Nhà thờ đá được giới trẻ coi là nơi "check-in" lý tưởng.

Các công trình ở đây đều được xây dựng từ độ cao 400 m trở lên, biến vùng núi Ba Vì thành một thị trấn nghỉ dưỡng. Sau năm 1945, những công trình này không được sử dụng, dần trở thành phế tích. Hiện nay, vẫn còn khoảng 200 phế tích nằm rải rác trong khu vực Vườn quốc gia Ba Vì. Ngoài giá trị lịch sử, cảnh quan, những phế tích này còn có giá trị lớn về du lịch. Ðó là lý do mà nhiều nhà sử học, kiến trúc sư mong muốn "đánh thức" những phế tích kiến trúc này.

Trong cuộc tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì" do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, các nhà khoa học, kiến trúc sư đã đưa một số giải pháp để làm "sống dậy" các phế tích. Một số hướng đề xuất đáng lưu ý như: Phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không  gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch… Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển, khai thác hợp lý  tiềm năng du lịch của Ba Vì là một bài toán khó. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã phát triển, cải tạo các phế tích để thu hút cộng đồng hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa". Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn nhận định, việc phát huy và khai thác di sản phế tích kiến trúc Pháp tại Ba Vì để phục vụ cộng đồng là hướng đi cần thiết. Ðồng thời, cần bảo tồn và khai thác được khí hậu, cảnh quan thiên nhiên ban tặng, bảo vệ rừng nguyên sinh một cách hài hòa tích cực. Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích quốc gia nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng hiện có, cần coi phế tích là một nhân tố quan trọng, xác định các mức độ can thiệp khác nhau phù hợp với vị trí, đặc điểm, ý nghĩa, tình trạng của từng phế tích và cảnh quan khu vực, việc xây dựng bổ sung cần bảo đảm không phá vỡ hay tác động tiêu cực đến cảnh quan và môi trường.

Trên thực tế, ở khu vực này cũng đã có khu nghỉ dưỡng khai thác giá trị phế tích biệt thự Pháp cổ. Tham quan các phế tích biệt thự cũng là một trong những hoạt động của khu nghỉ dưỡng. Ðây là một gợi ý để chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan tiếp tục các giải pháp khai thác, phát huy giá trị của phế tích kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, không gian này là Vườn quốc gia. Dù các hướng khôi phục có thể khác nhau, nhưng các nhà khoa học đều có chung nhận định: Trước đây, khi xây dựng các biệt thự, người Pháp đã nghiên cứu một cách khoa học, để các biệt thự hài hòa với thiên nhiên. Ðó là yếu tố tiên quyết khi khôi phục, phát huy giá trị các phế tích. Ðồng thời, việc khai thác, phát huy giá trị phải gắn với văn hóa địa phương, thực hiện đúng quy hoạch. Tránh tình trạng "loạn" các khu nghỉ dưỡng, để rồi thiên nhiên vùng núi Ba Vì lại bị hủy hoại bởi bàn tay con người.