Khuyến khích xây dựng những công trình xanh

Những năm gần đây, yếu tố xanh trong các dự án bất động sản của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Ngoài việc hạn chế tác động xấu tới môi trường, các công trình xanh còn đem đến điều kiện sống tốt hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc phát triển các công trình xanh vẫn chỉ là bước khởi đầu, cần có chính sách khuyến khích cụ thể hơn.

Dự án nhà ở xã hội NO2 và NO3 thuộc dự án khu nhà ở EcoHome 3 tọa lạc ngay mặt đường Tân Xuân (quận Bắc Từ Liêm) là dự án nhà ở xã hội đầu tiên đạt tiêu chuẩn của chứng chỉ xanh EDGE do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới cấp. Ngoài hai khu vườn trên cao ở tầng thượng hai tòa nhà với gần 800 cây xanh, xen kẽ là những đường dạo, sân tập thể dục và sân vườn ngắm cảnh, trong khu nhà ở còn có sân vườn tầng mái gần 1.700 m2, quảng trường rộng gần 1.200 m2, đài phun nước, vườn nghệ thuật, giàn hoa leo, sân chơi trẻ em… Bên cạnh đó, những ứng dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và các giải pháp thiết kế, xây dựng thông minh giúp cư dân giảm chi phí điện, nước và năng lượng hằng tháng.

Theo PGS, TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành... đều đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu. Thêm vào đó, công trình sản sinh ra chất thải làm ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng, phát triển các công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết, công trình xanh bắt đầu phát triển từ khoảng 10 năm trước, cùng với sự xuất hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà văn phòng… Những năm gần đây, xuất hiện thêm xu hướng phát triển các dự án bất động sản, nhà ở, trường học xanh. Cả nước hiện có hơn 100 công trình xanh được chứng nhận bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh khác nhau. Có nhiều rào cản trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam như: Chưa có quy định bắt buộc, hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh, nhất là với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước; nhận thức về công trình xanh còn hạn chế (kể cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng); các rào cản về kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu, công trình xanh áp dụng trong các công trình xây dựng.

Để loại hình này phát triển nhanh chóng hơn, các chuyên gia cho rằng, cần chính sách khuyến khích mạnh mẽ. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ phát triển mạnh công trình xanh trong thời gian tới. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Bộ Xây dựng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình này để trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành. Chính sách này sẽ định hướng và quy định vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển công trình xanh trong các công trình xây dựng mới, hoặc công trình cải tạo, nhất là công trình có quy mô lớn; đầu tư xây dựng thử nghiệm một số công trình xanh từ vốn ngân sách. Từ đó, tổng kết, đánh giá, đề xuất chính sách phát triển.