Thị trường bất động sản

Chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới bất động sản

Thị trường bất động sản nước ta đang hướng đến sự minh bạch trên mọi phương diện, từ hình thức kinh doanh, bán hàng, đến chất lượng sản phẩm… Cũng chính vì lẽ đó, chất lượng của đội ngũ môi giới cũng đòi hỏi phải được nâng cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam hiện có khoảng 200 nghìn người môi giới bất động sản, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập. Ðội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng Hà Nội có hơn 70 nghìn người, nhưng chỉ khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề, khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, người môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Tháng 2-2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định rõ người môi giới phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các sàn giao dịch bất động sản khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, mà chủ yếu chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng. Chính vì vậy, hầu hết những người này đều thiếu những kiến thức cơ bản của một môi giới bất động sản chuyên nghiệp như: sự hiểu biết về pháp luật, các luật liên quan, các điều khoản trong hợp đồng mua bán…

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét, nhìn chung đội ngũ môi giới ở Hà Nội có trình độ chưa cao, thậm chí không ít người còn thiếu sự chuyên nghiệp. Nguyên nhân một phần do hoạt động đào tạo cho người hành nghề chưa thật sự được quan tâm ở Việt Nam.

Ðiều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Người làm môi giới lệch chuẩn đạo đức sẽ tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản, gây rủi ro cho khách hàng. Ðiều này đã diễn ra khá rõ ở Hà Nội hiện nay, khi đất một số huyện chuẩn bị trở thành quận như Thanh Trì, Gia Lâm, Ðông Anh hay Hoài Ðức liên tục bị "thổi" giá, gây nhiễu loạn thông tin. Nếu không tỉnh táo, các nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại. "Nhiều nhân viên môi giới còn thiếu coi trọng nghề nghiệp, đặt nặng lợi ích cá nhân... Họ thiếu tính liên kết tạo sức mạnh của cộng đồng, thường có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Khi thiếu tính lành mạnh, minh bạch, bền vững và thiếu niềm tin từ khách hàng, sẽ khiến cho thị trường bất động sản dễ bị khủng hoàng, đổ vỡ", ông Trần Minh Hoàng nói.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới bất động sản liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ. Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức răn đe.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần rút ngắn thời hạn giá trị pháp lý của chứng chỉ hành nghề để phù hợp với thực tế thay vì 5 năm như hiện tại. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến bộ quy tắc đạo đức nghề môi giới do Hiệp hội Bất động sản ban hành, để đội ngũ môi giới hoạt động chuyên nghiệp hơn, góp phần xây dựng thị trường ngày càng minh bạch.