Sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội

5 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã giải ngân hơn 13,2 nghìn tỷ đồng cho hơn 487 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn lực này đã góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... trên địa bàn.

Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị... Thực hiện Chỉ thị này, chính quyền các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác đã phối hợp hiệu quả với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc giám sát, triển khai nguồn vốn này. Thí dụ, tại huyện Sóc Sơn đã nhận ủy thác triển khai nguồn vốn chính sách, sau 5 năm, huyện đã có 26.960 hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn từ nguồn này và đã có 7.184 hộ thoát nghèo.

Tính trên toàn địa bàn Hà Nội, sau 5 năm, thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã giải ngân hơn 13,2 nghìn tỷ đồng cho hơn 487 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ đến hết tháng 6-2019 đạt 7.913 tỷ đồng với hơn 289 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 3.192 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW đã có một nội dung quan trọng, mang tính quyết định là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 5 năm qua, đã có 1.805 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển bổ sung sang Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng gấp 1,6 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị.

Hiệu quả từ việc sử dụng nguồn tín dụng chính sách xã hội có thể thấy qua số hộ dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, quá trình triển khai chỉ thị này thực tế vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Thách thức lớn nhất hiện nay là cân đối nguồn lực tài chính để có thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, trong khi nhu cầu đang ngày càng lớn. Bên cạnh đó, thời hạn thực hiện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc giải ngân vào năm 2020. Thời gian không còn nhiều, cho nên điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những hộ chưa thoát nghèo bền vững, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho rằng, hằng năm HĐND, UBND các cấp cần dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu năm để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội, kịp thời bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu tiếp tục thực hiện chương trình cho vay với hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định, có thể kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cần thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được dành cho đúng đối tượng, phát huy hiệu quả và mục đích của nguồn vốn này.