Xử lý nước thải cụm công nghiệp: Vừa thiếu, vừa kém hiệu quả

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp được thành phố Hà Nội quan tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có 26 cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải và hoạt động của các trạm xử lý nước thải còn nhiều hạn chế. 

Trạm xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Ảnh: Đắc Sơn
Trạm xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Ảnh: Đắc Sơn

Theo tổng hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong tổng số 70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, mới có 19 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; năm cụm đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chưa vận hành chính thức; hai cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng không hoạt động. 44 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến nước thải từ các cơ sở sản xuất được doanh nghiệp tự xử lý hoặc xả thẳng ra môi trường...

Hoạt động của hệ thống xử lý nước thải các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập. Trên huyện Thạch Thất hiện có bảy cụm công nghiệp, nhưng mới có Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá và Cụm công nghiệp Bình Phú có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, cụm công nghiệp Bình Phú mặc dù có hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý theo thiết kế là 600 m3/ngày đêm, nhưng lại chưa kết nối thu gom nước thải của toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mà chỉ có 10 đơn vị đấu nối, do đó việc vận hành trạm xử lý nước thải gây lãng phí và không đủ kinh phí duy trì. Trong khi đó, cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá đã có hệ thống xử lý nước thải từ năm 2010, nhưng công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, chỉ được thiết kế phục vụ xử lý nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất trong cụm, còn hơn 300 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể sản xuất ngành nghề khác thì không xử lý được.

Tại huyện Thanh Oai cũng có bốn cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có Cụm công nghiệp Thanh Oai xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung, với công suất thiết kế 600m3/ngày đêm, nhưng mới hoạt động 1/3 công suất và nước đầu ra của trạm có nhiều thông số không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Theo kết quả khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, trong giai đoạn đầu, công tác bảo vệ môi trường của các cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Tại những nơi đã có trạm xử lý nước thải, ngoài việc chưa xây dựng được quy chế quản lý sau đầu tư, hầu hết chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, cho nên chưa chủ động được kinh phí hoạt động quản lý, dẫn tới khó khăn khi vận hành.

Còn đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp đang chồng chéo khi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp do cấp huyện thực hiện, gây khó khăn cho việc hoạt động các trạm xử lý nước thải. Trong khi đó, phương thức thu giá dịch vụ xử lý nước thải cụm công nghiệp không hấp dẫn, cho nên không kêu gọi được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung. Nâng cao hiệu quả, chất lượng các trạm đã được đầu tư. Thành phố sớm ban hành chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2020-2030, trong đó có đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư. Xem xét, giao Sở Công thương làm đầu mối quản lý nhà nước; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các sở chuyên ngành, UBND cấp huyện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường tại các cụm công nghiệp.