Thêm biện pháp an toàn cháy nổ tại chung cư cao tầng

Tháng 10, Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy sắp qua đi, nhưng công tác phòng, chống cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng vẫn luôn là vấn đề cấp thiết. Nguy cơ xảy ra cháy nổ và mức độ nguy hiểm luôn thường trực nếu mất cảnh giác. 

Từ đầu năm đến nay tại Hà Nội vẫn xảy ra nhiều vụ cháy chung cư cao tầng, tuy nhiên không để lại hậu quả nghiêm trọng. Đêm 4-7, tại tầng bảy khu chung cư của Công ty TNHH Thực phẩm Thông Tấn (quận Nam Từ Liêm) bất ngờ xảy ra một vụ cháy, nhưng chuông báo cháy không hoạt động. Lực lượng cứu hộ phải phá khóa để thực hiện nhiệm vụ, khống chế nhanh chóng đám cháy. Trước đó, ngày 16-4 xảy ra cháy tại một căn hộ ở tầng 32, tòa HH2C, tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; hay ngày 13-4, xảy ra cháy tại căn hộ ở tầng 26, tòa V2, chung cư Văn Phú Victoria, phường Phú La, quận Hà Đông. Các vụ cháy nêu trên đều được lực lượng chức năng khống chế kịp thời và không gây thiệt hại về người, nhưng nguy cơ cháy nổ tại chung cư cao tầng rất cao. 

Để tạo tính răn đe và nâng cao ý thức của các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, từ năm 2017, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội đã công bố công khai các công trình nhà chung cư tại Hà Nội vi phạm phòng cháy, chữa cháy. Các quy định pháp luật cũng nâng mức xử phạt đối với các chủ đầu tư vi phạm. Qua đó, một số chủ đầu tư đã khắc phục các vi phạm phòng cháy, chữa cháy, nhưng thực tế vẫn tồn tại không ít công trình mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.    

Đóng góp thêm về vấn đề an toàn cháy nổ tại chung cư cao tầng, nhiều chuyên gia cho biết, Quy chuẩn quốc gia về nhà ở đã có quy định về nhà lánh nạn cho chung cư cao tầng, nhưng không ít chủ đầu tư vẫn cố ý quên. Nguyên nhân chính là chủ đầu tư lo dự án đội chi phí. 

Trước các vấn đề liên quan bảo đảm an toàn tính mạng của người dân tại chung cư cao tầng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng..., kiến nghị xây phòng lánh nạn tại các chung cư cao tầng. Theo HoREA, Nhà nước chủ trương phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, dành nhiều không gian trên mặt đất cho giao thông, cây xanh, mặt nước, dịch vụ và tiện ích đô thị. Luật Phòng cháy, chữa cháy và nhiều quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cứu hộ và cứu nạn, nhất là đối với các tòa nhà cao tầng đã được ban hành. Với tiến trình đô thị hóa như hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện đã có những tòa nhà có chức năng hỗn hợp, khu căn hộ như Landmark 81 cao 461,3 m, Keangnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m… Đối với các đô thị lớn, đã hình thành xu hướng người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ chung cư cao tầng. Thực tế, có rất nhiều cư dân sống tại các căn hộ chung cư cao tầng đến từ nông thôn hoặc đến từ các khu nhà thấp tầng trong đô thị thiếu kỹ năng thoát hiểm cho nên việc trang bị kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm để đến được tầng lánh nạn, gian lánh nạn gần nhất là rất cần thiết. Thực tế cho thấy trong các vụ cháy xảy ra tại nhà chung cư thời gian qua, bị ngạt khói do thiếu kỹ năng thoát hiểm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong... HoREA kiến nghị, đối với tòa nhà có chiều cao từ 100 đến 150 m, tương đương từ 30 đến 50 tầng, phải có một hoặc hai tầng lánh nạn, tùy theo chiều cao tòa nhà; đồng thời không tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính hệ số sử dụng đất và nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình để khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện, thêm biện pháp bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ tại chung cư cao tầng.