Ngập lụt vì lỗi quy hoạch

Đang trong mùa mưa bão cho nên nhiều khu vực tại Hà Nội thường xuyên bị úng ngập. Đáng ngại hơn, các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây như các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Long Biên… bị úng ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước đô thị. Công tác thoát nước tại khu vực đô thị lõi gồm địa bàn bốn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã được cải thiện đáng kể. Số điểm úng ngập ngày càng giảm, hiện nay chỉ còn 16 điểm úng ngập cố hữu. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước của thành phố mới chỉ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu vực nội thành thuộc lưu vực các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, với tổng diện tích 77,5 km2, có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa lớn, lượng mưa 300 mm trong thời gian hai ngày.

Đáng lo ngại, các khu đô thị tại các quận ven đô như Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Long Biên, hay các huyện Hoài Đức, Mê Linh… được xây dựng hiện đại, nhưng hệ thống hạ tầng, trong đó có hệ thống tiêu thoát nước không được quan tâm hoặc chỉ đầu tư trong nội bộ khu đô thị mà không quan tâm đến việc đấu nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Phần lớn nước đều tiêu thoát nước ra hệ thống kênh, mương thủy lợi, trong khi hệ thống kênh tiêu này và cả các sông tiêu úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp như sông Cầu Bây, sông Đáy, sông Nhuệ ít được quan tâm cải tạo, nạo vét và chủ yếu là tự chảy. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến nhiều diện tích hồ, ao bị san lấp và thiếu cốt nền chuẩn, càng khiến tình trạng úng ngập ngày càng nặng. Đây là những nguyên nhân khiến mỗi khi mưa lớn, các khu vực này đều bị úng ngập cục bộ và thời gian tiêu thoát nước kéo dài. Điển hình như trận mưa đầu tháng 8 vừa qua, khu đô thị hiện đại Geleximco (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) và nhiều vị trí khác nằm bên đại lộ Thăng Long hay một số khu vực của quận Long Biên bị ngập sâu.

Các chuyên gia cho rằng, thực trạng nhiều khu đô thị mới bị ngập lụt do mưa lớn xuất phát từ công tác quy hoạch. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng úng ngập là do quy hoạch xây dựng hạ tầng tại các khu đô thị mới thiếu đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo kiểu “xôi đỗ” mạnh ai nấy làm dẫn đến thiếu sự đồng bộ. Chủ đầu tư không quan tâm đến công tác tiêu thoát nước ngoài hàng rào khu đô thị, mà để nước mưa đổ trực tiếp ra chung quanh, hoặc có đấu nối vào hệ thống thoát nước, nhưng không đầu tư nâng cấp các đường ống, dẫn đến tình trạng quá tải khi mưa lớn. Úng ngập xảy ra thường xuyên. Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, mưa lớn và tập trung trong thời gian ngắn. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh khẳng định: Để khắc phục tình trạng này, vấn đề cốt lõi là phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị.

Tình trạng úng ngập sau mưa bão ở Hà Nội không phải chuyện mới, nhưng nguy cơ ngày càng lan rộng nếu tình trạng xây dựng kiểu “xôi đỗ” vẫn tiếp diễn. Do vậy, thời gian tới, thành phố cần sớm thực hiện đồng bộ quy hoạch thoát nước, gắn với quy hoạch phát triển nhà cao tầng, khu đô thị. Tiếp tục mở rộng đầu tư hệ thống thoát nước ra các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Bên cạnh đó, trong quá trình phê duyệt các dự án đầu tư phát triển nhà ở, khu đô thị mới, thành phố cần yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án thoát nước, nhất là hệ thống thoát nước trong khu đô thị như hồ điều hòa, bố trí diện tích đất trồng cây xanh. Quản lý chặt chẽ quy hoạch và xử lý nghiêm những chủ đầu tư cố tình vi phạm. Người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của thành phố, nhất là không đổ rác thải, phế thải xây dựng bừa bãi và lấn chiếm hành lang thoát nước.