Quy hoạch - Ðầu tư

Khai thác không gian ngầm

Tại Hà Nội hiện chỉ có những bãi đỗ xe dưới hầm các tòa nhà cao tầng, một số hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm… Do vậy, thành phố cần sớm quy hoạch, phát triển không gian ngầm, để khai thác, quản lý nguồn tài nguyên này hiệu quả hơn.

Đô thị hóa nhanh đã tạo ra nhiều áp lực cho hạ tầng giao thông, nhất là tình trạng ùn tắc và thiếu điểm trông giữ xe. Theo tính toán, một đô thị phải dành từ 3 đến 4% diện tích đất cho giao thông tĩnh và đến năm 2030, nội đô cần đến 1.400 ha đất để phát triển giao thông tĩnh, nhưng hiện nay Hà Nội mới có khoảng 0,3% diện tích đất cho bãi đỗ xe.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, với hơn 550 nghìn ô-tô và khoảng sáu triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ nhiều tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn Hà Nội, dự báo sau 10 năm nữa, các bãi đỗ xe trong khu đô thị trung tâm sẽ thật sự quá tải. Do vậy, việc dành không gian công cộng để kêu gọi đầu tư các không gian ngầm phục vụ cho thương mại, trong đó có bãi đỗ xe là rất cần thiết.

Ðể giải bài toán này, mới đây, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế khuyến khích đầu tư, xây dựng khai thác bến xe, bãi đỗ xe. Trong đó, các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng cao nhất 30% tổng diện tích sàn xây dựng để khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm. Thành phố khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp tại các quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Ðống Ða đầu tư bãi đỗ xe ngầm, hoặc bãi đỗ xe cao tầng.

Trước đó, trong Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra những ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Hà Nội kêu gọi đầu tư gần 10 bãi đỗ xe ngầm tại các vị trí như Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Quảng trường Nhà hát Lớn, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô…, nhưng đến nay, các dự án đều chưa thể triển khai. Tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội mới chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Him Lam BC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Ðình) và dự kiến dự án hoàn thành vào quý IV- 2020.

Bàn về vấn đề quy hoạch, phát triển không gian ngầm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS, KTS Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm là một xu thế cần thiết đối với Hà Nội. Vấn đề này đã được định hướng trong các quy hoạch chung. Tuy nhiên, khi thực hiện cần xem xét đồng bộ các yếu tố của quy hoạch, đó là phải kết nối giao thông, chỉ tiêu về không gian xanh, dân số, nhất là giải pháp thiết kế, áp dụng khoa học - kỹ thuật để ứng phó biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia quy hoạch đô thị cũng cho rằng, xây dựng bãi đỗ xe ngầm chỉ là một trong nhiều vấn đề của quy hoạch, phát triển không gian ngầm. Khi các thành phố lớn có quy hoạch không gian ngầm, bài toán cho bãi đỗ xe sẽ được giải dễ hơn. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh như hiện nay thì việc triển khai quy hoạch chi tiết không gian ngầm càng bức thiết. Qua đó, tạo ra các phương thức vận tải và hoạt động giao thương đa dạng dưới lòng đất, chia sẻ áp lực cho mặt đất. Ðó cũng chính là một thành tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.

Ðể tránh tình trạng xây dựng phục vụ yêu cầu trước mắt, dễ dẫn đến chắp vá, gây khó cho các giai đoạn phát triển sau, Hà Nội cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm theo từng giai đoạn, làm cơ sở để quản lý và khai thác các lớp không gian ngầm khác nhau. Thành phố cũng nên tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình ngầm hiện hữu để có giải pháp điều chỉnh; nghiên cứu tính toán từng vị trí ngầm hóa… làm sao cho các công trình mang tính kết nối, nhiều chức năng, tận dụng hết tiềm năng và phát huy hiệu quả cao nhất.