Hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Thiết kế đô thị là yêu cầu bức thiết trong phát triển và quản lý quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan của thành phố. Việc triển khai thiết kế đô thị các tuyến đường trên địa bàn Hà Nội vừa để thành phố thực hiện tái tạo phát triển không gian đô thị hiện đại, vừa để hoàn thiện hệ thống quản lý theo chiều sâu. 

Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội những năm qua đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với phát triển và quản lý. Chỉ riêng vấn đề cảnh quan mặt phố, lòng đường, vỉa hè cũng có khối lượng công việc rất lớn. Thực tế, do chưa có những quy chuẩn nên không gian nhiều tuyến phố không có sự thống nhất về chiều cao, hình thức xây dựng, khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Nhiều khu vực chưa có nguyên tắc bố cục tổ chức không gian hệ thống cho toàn tuyến, cho nên không tạo được không gian liên kết, không gian chiều sâu... Với các tuyến phố buôn bán sầm uất, nhiều loại hình công trình bố cục rất lộn xộn, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, như các tuyến đường, phố: Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Láng, Minh Khai, Trương Định, Tam Trinh, Giải Phóng... 

Chính vì vậy, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tại các phố: Khâm Thiên, Thái Thịnh, Hồ Tùng Mậu... Và mới đây nhất là Quyết định 2977/QĐ-UBND ngày 6-7-2020 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng - Voi Phục tỷ lệ 1/500. Tuyến đường có chiều dài khoảng 1,3 km, thuộc địa giới hành chính phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Điểm đầu là nút giao phố Huỳnh Thúc Kháng với đường Nguyễn Chí Thanh; điểm cuối là nút giao Cầu Giấy - Voi Phục. Mục tiêu của đồ án nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển đô thị và quản lý quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan đối với tuyến đường mới mở và chung quanh các nút giao thông nằm trong khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng đất. Đồng thời, xác định các quỹ đất không đủ điều kiện xây dựng, siêu mỏng, siêu méo, gây  mất mỹ quan đô thị để đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang và xử lý theo quy định; đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến phố, xác định các vị trí điểm nhấn kiến trúc...

Với các tuyến phố lập thiết kế đô thị, UBND thành phố đều đưa ra bài toán giải quyết hài hòa mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi; cụ thể hóa bằng các bản vẽ kiến trúc mặt đứng tuyến, đoạn tuyến; đánh giá, tổng hợp các thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, trên cơ sở đó đề xuất các trường hợp có khả năng hợp thửa, hợp khối hoặc thu hồi cho các mục đích sử dụng khác; định hình công trình kiến trúc điểm nhấn... Thực tế, Trần Phú - Kim Mã là tuyến phố đầu tiên tại Hà Nội có Đồ án thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được công bố tháng 8-2013. Đến nay, sau gần bảy năm triển khai, về cơ bản tuyến phố Trần Phú (kéo dài) đã được chỉnh trang, có phương án xây dựng phù hợp, dẹp được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. 

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia đều đánh giá cao việc tổ chức lập thiết kế đô thị tuyến phố của thành phố Hà Nội, bởi đây là yêu cầu bức thiết trong công tác quản lý đô thị. Mặc dù vẫn có ý kiến cho rằng, nên quy hoạch rõ hơn trong xác định chức năng của từng tuyến phố cụ thể, như phân định rõ phố thương mại, phố ẩm thực, phố di sản..., nhưng sau khi phân tích về kinh tế vỉa hè sẽ còn đeo đuổi trong thời gian rất dài, cho nên phương án xây dựng nhiều giải pháp thiết kế linh hoạt là phù hợp. Vì thế, việc lập thiết kế đô thị tuyến phố cần thực hiện dựa trên tinh thần hai bên cùng có lợi sẽ nhận được sự  đồng  thuận của người dân. Quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra bộ mặt kiến trúc tuyến đường văn minh, hiện đại, hài hòa với không gian tổng thể, giữ gìn nét đặc trưng mà vẫn bảo đảm lợi ích kinh doanh, cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực.