Hóa giải tranh chấp tại chung cư

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại về chung cư. Tại Hà Nội, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cao, với 39 trong số 919 tòa nhà có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 4,2%.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc cư dân tập trung đông người phản đối, khiếu kiện chủ đầu tư về quỹ bảo trì, chiếm dụng diện tích đất xây dựng khu vui chơi công cộng, diện  tích  để xe... Điển hình như các cư dân sinh sống tại tòa nhà Ecolife Capitol (quận Nam Từ Liêm) phản ánh về việc chủ đầu tư không miễn phí dịch vụ như đã hứa khi bàn giao nhà cho cư dân. Rồi ban quản trị tòa nhà chung cư New Horizon City (quận Hoàng Mai) kiến nghị chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ nhà chung cư; bàn giao công tác quản lý vận hành; bàn giao quỹ bảo trì 2% phần sở hữu của nhà chung cư; bàn giao diện tích sử dụng chung... Hay tại dự án The Golden Palm (quận Thanh Xuân), việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân liên quan đến chỗ đỗ ô-tô vẫn chưa được giải quyết xong. Bởi khi bán hàng, chủ đầu tư quảng cáo tòa nhà có ba tầng hầm để xe, mỗi hộ gia đình sẽ có một chỗ đỗ xe. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã dành hầm B1 làm chỗ để xe thương mại, hầm B2 và B3 dành cho cư dân, nhưng không có chỗ để xe cố định... 

Để hóa giải những tranh chấp, khiếu kiện tại chung cư cao tầng, trong những năm qua, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành hàng loạt quy định, quy chế, song vẫn chưa theo kịp sự phát triển đô thị và biến động xã hội. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND về quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 10-12-2020. Quyết định này quy định về việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, diện tích sinh hoạt cộng đồng (chung cư thương mại và nhà chung cư phục vụ tái định cư), công tác bảo trì nhà chung cư, nhà chung cư phục vụ tái định cư... Thành phố Hà Nội khẳng định: Việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Đối với bảo trì nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD...

Tất cả những nội dung nêu trên đều đã có quy định rõ ràng. Chẳng hạn, Điều 101 của Luật Nhà ở quy định: Đối với chỗ để ô-tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư, thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì  chỗ để ô-tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này vào giá bán, giá thuê mua căn hộ. Việc bố trí chỗ để ô-tô của khu nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước, sau đó mới dành chỗ để xe công cộng... Tuy nhiên, thực tế triển khai đã bị biến tướng cho nên mới tạo ra những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù có quy định, nhưng những vụ việc tương tự vẫn có thể xảy ra nếu không giải quyết được bài toán lợi ích kinh tế từ phía chủ đầu tư và quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện, minh bạch các chính sách quản lý, vận hành chung cư, nhất là chế tài xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, các địa phương tăng cường công tác quản lý; xử lý các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, tránh phức tạp, gây mất an ninh trật tự.