Quy hoạch - Ðầu tư

Giải bài toán giao thông tĩnh

Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý cho thành phố Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe, góp phần giải quyết nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân.

Ngày 17-3, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 2392/BGTVT-KCHT gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về vấn đề trông giữ xe dưới gầm cầu. Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, về nguyên tắc, khu vực gầm cầu không được tổ chức các điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, nhu cầu đỗ xe của người dân tại các thành phố lớn, trong đó có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất cao, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông dành cho giao thông tĩnh còn rất hạn chế. Do vậy, việc sử dụng một số vị trí gầm cầu vượt, lòng, lề đường, hè phố để đỗ xe, tổ chức trông giữ xe ô-tô, xe máy đã và đang được TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện ở một số khu vực gầm cầu.

Trước đó, ngày 19-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố cần lưu ý một số vấn đề như: Xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng gầm cầu, gầm đường trên cao phù hợp với phương án tổ chức giao thông; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như hoạt động giao thông trên tuyến đường. Thời gian cho phép triển khai thực hiện không quá hai năm theo Nghị quyết số 12 của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cũng đang rà soát để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời nghiên cứu, cập nhật nội dung trên vào các quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu bãi đỗ xe; bảo đảm các yêu cầu đề ra.

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 6,5 triệu phương tiện giao thông, trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ đạt khoảng 1% trên tổng diện tích đất xây dựng, đáp ứng chỉ khoảng 10% nhu cầu đỗ, gửi xe. Những năm qua, với tốc độ gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, nhất là xe ô-tô, Hà Nội ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh.

Ðể giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu đỗ xe của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hạ tầng giao thông tĩnh, trong đó có việc tận dụng diện tích dưới gầm cầu, gầm đường trên cao để làm bãi đỗ xe. Hiện nay thành phố tổ chức thí điểm tại bốn vị trí, gồm gầm cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu vượt Ngã tư Vọng và cầu vượt Mai Dịch, cho thấy việc quản lý, sử dụng hiệu quả.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, các vị trí gầm cầu tổ chức thí điểm trông giữ phương tiện nêu trên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các yếu tố như tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Tới đây, Hà Nội tiếp tục yêu cầu các đơn vị khai thác đưa công nghệ cao vào quản lý nhằm khai thác hiệu quả, minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu. Nhiều chuyên gia quản lý đô thị nhận định, việc tận dụng hạ tầng sẵn có như trên là việc nên làm, bởi quỹ đất, diện tích dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội quá hạn hẹp, song về lâu dài, ưu tiên số một vẫn là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Thực hiện quy hoạch giao thông tĩnh bài bản hơn trong quá trình phát triển đô thị vùng ven nội thành.