Người thúc đẩy sự phát triển ngành Hà Nội học

Khó có thể thống kê hết những công trình, tập sách về Thăng Long - Hà Nội mà Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (trong ảnh) làm chủ biên, hoặc tham gia trong mấy chục năm qua. Nhiều nghiên cứu của ông góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Ông không nhận đó là “cống hiến”, mà đó bắt nguồn từ tình yêu, sự gắn bó và để “trả ân nghĩa” những gì Hà Nội đem đến cho ông.

Người thúc đẩy sự phát triển ngành Hà Nội học

Hiếm khi không gặp Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc ở các hội thảo, tọa đàm về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Và cũng hiếm khi ông không được mời đăng đàn phát biểu. Ông thường khiêm tốn bắt đầu phần trình bày của mình bằng “Thưa các thầy, thưa các bạn…”. Không ít nhận định, đánh giá của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc có thể không được người ta chấp nhận ngay từ ban đầu, bởi nó hàm chứa những đánh giá mới mẻ, những góc nhìn khác biệt. Nhưng càng ngày, người ta càng nhận ra ông có lý. Vốn mang ước mơ học Toán, nhưng một sự nhầm lẫn tình cờ đưa ông đến… Khoa Lịch sử - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)). Bây giờ, 68 tuổi đời, thì ông có 51 năm gắn bó với Hà Nội, cũng như những nghiên cứu, tìm tòi về lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

“Khi học lịch sử cổ trung đại, tôi được học các thầy Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn…, hễ lấy thí dụ, thì các thầy thường lấy Hà Nội. Ngày ấy, các thầy rất chú trọng công tác điền dã. Chúng tôi được theo các thầy đến công trường khảo cổ. Nơi đầu tiên tôi được đến là di chỉ khảo cổ ở Dục Tú (huyện Đông Anh). Đấy là một di chỉ rất đặc biệt, hội tụ đủ bốn nền văn hóa của Việt Nam buổi đầu lịch sử: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Khi tiếp xúc với các hiện vật, tự nhiên tôi hình dung ra cuộc sống của cư dân thời đó. Tôi gắn bó với những nghiên cứu về Hà Nội một cách tự nhiên như thế”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại những năm tháng đầu tiên từ Hải Phòng lên Hà Nội sống đời sống sinh viên, năm tháng khởi đầu cho tình yêu với mảnh đất văn hiến ngàn năm. Chàng trai trẻ Nguyễn Quang Ngọc dần dần nhận ra, không phải ngẫu nhiên các bậc thầy đi trước thích lấy thí dụ về Hà Nội. Mảnh đất Hà Nội đã chứng kiến quá trình dựng nước, giữ nước, quá trình phát triển của người Việt từ thời sơ sử, điển hình là ở di chỉ Dục Tú, di chỉ Cổ Loa với Thục Phán An Dương Vương dựng nước. Sang thời Bắc thuộc, nhiều thế kỷ, Hà Nội được chọn là thủ phủ của chính quyền đô hộ. Tất cả các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm có quy mô toàn quốc trong thời kỳ ấy, bắt buộc phải có điểm đến là trị sở của chính quyền phương bắc. Hà Nội, tất yếu là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của dân tộc. “Chưa tính đến giai đoạn từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, vai trò của mảnh đất nay là Hà Nội đã hết sức quan trọng rồi. Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm là vì thế”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Dù ở cương vị công tác nào, Trưởng Khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn), Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển hay Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô…, nghiên cứu về Hà Nội luôn là “trục trung tâm” trong các hoạt động của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc. Hà Nội có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng ông mê nhất vẫn là thời Lý. Đó vừa là một giai đoạn phát triển vượt bậc của Thăng Long, của Hà Nội; đồng thời, vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà ông say mê, mong muốn giải mã. Đến giờ, khó có thể tính hết những công trình, tập sách về Thăng Long - Hà Nội mà ông chủ biên, hoặc tham gia. Có thể kể đến một số đóng góp lớn của ông như: Chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Vương triều Lý năm 2009; tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; tham gia tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”; chủ trì xuất bản sách Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội (2012); Chủ nhiệm năm đề tài nhánh trong chương trình khoa học cấp nhà nước “Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”… Ông cũng là đồng chủ biên Giáo trình Hà Nội học (năm 2018); chủ biên sách Không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức (năm 2016); Chủ biên Bách khoa thư Hà Nội (phần mở rộng, năm 2017)... Dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, ông được UBND thành phố Hà Nội giao làm chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ.

“Mỗi bước đường đi trong cuộc đời, tôi luôn nhớ lời những người thầy của mình. Thầy Trần Quốc Vượng có lần nói với chúng tôi: “Các cậu ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, thì phải làm gì để trả nợ Hà Nội. Càng suy nghĩ, tôi và nhiều người càng thấm thía điều này. Hà Nội cho tôi nhiều thứ. Tôi nghĩ, những việc mình làm, dù còn nhỏ bé, cũng là để trả cái ân nghĩa đó”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nói về những đóng góp của mình cho Hà Nội. Bây giờ, ở cương vị Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô (trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội), điều ông mong muốn là cùng trung tâm thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học. Với một Thủ đô có bề dày lịch sử như Hà Nội, một ngành nghiên cứu mang tính tích hợp các kiến thức tổng thể là hết sức cần thiết. “Muốn trở thành “người Hà Nội”, thì trước hết phải hiểu Hà Nội”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.