Người khơi mạch nghiên cứu văn hóa Thăng Long

Vào những năm tháng đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, đang trong thời kỳ bao cấp, văn hóa Thăng Long - Hà Nội chưa được nhiều người nghiên cứu, nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ (trong ảnh) đã thực hiện đề tài "Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX". Cuốn sách đã đưa ra những nhìn nhận mới mẻ về Thăng Long - Hà Nội thời bấy giờ. 40 năm trôi qua, niềm say mê nghiên cứu, tình yêu với mảnh đất quê hương chưa bao giờ cạn trong ông. Những tác phẩm, những cuốn sách về Hà Nội vẫn cứ dày lên, đến độ… không đếm được.

Người khơi mạch nghiên cứu văn hóa Thăng Long

Chúng tôi gặp Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ một ngày thu. Tuổi 83, căn bệnh viêm đa khớp hành hạ ông suốt 20 năm nay. Những đốt ngón tay dính lại, cử động hết sức khó khăn. Mỗi lần di chuột máy tính cũng phải cố gắng. Nhưng ngày nào cũng thế, ông miệt mài bên đống sách vở, cặm cụi ghi lại những kiến thức. Luận án Tiến sĩ của ông ngày nào đã được chỉnh sửa, biên soạn thành cuốn sách "Kinh tế - xã hội Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX" - cuốn sách được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2012. Ông rủ rỉ: "Ngày ấy các thầy định hướng cho tôi làm một đề tài khác. Nhưng Hà Nội trong tôi có một vị trí đặc biệt. Tôi sinh ra ở làng Hạ Ðình, quận Thanh Xuân bây giờ. Lịch sử, văn hóa Hà Nội lại có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Vậy nên tôi xin các thầy cho tôi nghiên cứu về Hà Nội".

Ai cũng nghĩ Thăng Long - Hà Nội là đề tài được nghiên cứu từ sớm. Nhưng khi bắt tay vào công việc, phần lớn các sách vở, tư liệu về Hà Nội của các học giả như Hoàng Ðạo Thúy, Doãn Kế Thiện, Trần Huy Bá… đều là những tư liệu hồi cố, những ghi chép về văn hóa dân gian, di tích, chứ chưa có một đề tài khoa học đúng nghĩa. Giai đoạn từ thế kỷ XVII đến XIX gắn với triều đại Lê Trung hưng lại càng ít được nghiên cứu. Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ cho biết, việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn về tư liệu. Ông phải chạy vạy khắp các thư viện để kiếm những nguồn tư liệu gốc. Sau này, ông mới biết công trình của mình mở ra một hướng nghiên cứu chuyên biệt về Thăng Long. Nhờ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp từ thời còn đi học, ông tìm tòi và phát hiện nhiều tư liệu quý của các nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây đến Hà Nội giai đoạn này. Bởi thế, trong công trình của ông, hàng trăm tư liệu của phương Tây về Hà Nội lần đầu được công bố, đem lại cái nhìn đầy đủ hơn, mới mẻ hơn về Hà Nội một thời đã qua.

Mấy năm nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, những phát hiện về lịch sử, văn hóa, xã hội của thành phố vừa khiến ông say mê, lại vừa gợi mở thêm nhiều câu hỏi mới. Nếu như trước đây, tình yêu quê hương là một thứ tình cảm tự nhiên, thì những hiểu biết, khiến nó thêm sâu sắc. Ði qua những con phố, những ngôi nhà, ông hiểu rằng đằng sau đó là những câu chuyện trăm năm dâu bể. Tình yêu ấy khiến trách nhiệm ngày một lớn hơn, và nó được thể hiện bằng những nghiên cứu ngày một dày hơn. May mắn, sau một thời gian đi "làm cán bộ", ông đã trở về với công việc yêu thích nhất của mình, đó là làm việc tại Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ðiều kiện công tác ở đây giúp việc nghiên cứu thuận lợi hơn. Những công trình mới ra đời, tập trung nhất vẫn là những công trình về Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ông bảo, ông không thích ai đó gọi mình là nhà "Hà Nội học", bởi Hà Nội thực chất là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, lấy nghiên cứu Hà Nội để hiểu hơn đất nước Việt Nam.

Dẫu yêu mảnh đất quê hương mình, nhưng khác với mọi người, ông nhìn nhận văn hóa Hà Nội một cách khách quan, không "tô hồng". Ông nhìn Hà Nội trong cả những điểm mạnh, điểm yếu, cả những điều hay, lẽ dở. Hà Nội là một đô thị "kiểu phương đông", mang trong mình cả dòng văn hóa quý tộc của giới quan lại lẫn văn hóa bình dân; văn hóa cung đình và văn hóa phố - chợ. Sự chung đúc qua năm tháng tạo nên tính cách người Hà Nội trọng danh dự, trọng chữ tín. Hà Nội là nơi tụ hội của các dòng dân cư, nơi "tứ chiếng" đổ về. Ông thường bảo: Cái ưu tú nhất, cái đẹp nhất ở Hà Nội. Nhưng mặt trái của Hà Nội cũng rất "ghê gớm". Việc trọng danh dự, trọng chữ tín là một nét đẹp. Nhưng đôi khi, cái trọng danh dự cũng bị biến hóa thành thứ trọng hình thức bề ngoài, ưa sĩ diện - thứ thị dân hãnh tiến. Theo ông, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn đa chiều, dám nhìn vào những "mảng tối" thì mới có thể "chữa" được những "căn bệnh" trong văn hóa Hà Nội hôm nay. "Thời mở cửa đã giải phóng khả năng của con người. Ðất nước và Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu. Nhưng đang có sự "vênh" về kinh tế và văn hóa - xã hội. Muốn phát triển bền vững thì phải lấy con người là trung tâm, là điểm xuất phát và cũng là đích đến. Chính quyền thành phố đã có nhiều chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa. Nhưng nếu bản thân mỗi con người không có ý thức, thì cũng sẽ không đóng góp được gì nhiều cho văn hóa Hà Nội. Tôi không quan trọng nguồn gốc người ta đến từ đâu. Vì xưa nay người Hà Nội vẫn là nơi tập trung dân cư. Nhưng nếu mỗi người sống ở Hà Nội đều có ý thức rằng Hà Nội có một nguồn tài nguyên nhân văn giàu có, mà nay vẫn thua kém bạn bè trong khu vực, thì sẽ khác".

Câu chuyện của chúng tôi với Phó Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ bị ngắt quãng bởi công việc của ông với Nhà Xuất bản Hà Nội. Ông lại chuẩn bị cho ra mắt những nghiên cứu mới. Di sản của ông ngày một đồ sộ hơn, bởi ông là người trọn đời cống hiến vì tình yêu Hà Nội.