Ðâu phải nơi dỗ trẻ

Nhóm người đứng chờ thang máy tại sảnh chung cư không khỏi sốt ruột vì đã chờ khá lâu mà chưa thấy thang tới. Bảng chỉ dẫn mãi vẫn dừng ở tầng số 9. Dòng người đứng đợi đông thêm, tràn ra lối đi. Nhiều phút sau, thang mới xuống đến tầng 1 để đón khách. Cửa thang mở, chỉ một nửa số người đứng chờ vào được bên trong, số người còn lại phải đợi chuyến sau. Cứ như thế, chiếc thang máy của chung cư vận hành chậm một cách khó hiểu. Một thanh niên mặc bộ com-plê phẳng phiu, đứng ở góc thang máy nhăn mặt càu nhàu:

- Thang máy kiểu gì mà chậm như rùa bò!

Nghe vậy, một bà choàng khăn, mặc áo len, vội lên tiếng:

- Chuyện thường ngày ở đây ấy mà. Ở tầng trên có mấy người chuyên dỗ trẻ con ăn trong thang máy, cho nên mới gây ra cơ sự...

Lên tầng cao, khi cửa cầu thang mở ra, mọi người ngơ ngác chứng kiến người phụ nữ trung tuổi dắt một đứa trẻ tay cầm phong bao lì xì và chùm bóng bay sặc sỡ lảng vảng bên ngoài. Với ai lần đầu tới đây cảm thấy lạ lẫm, chứ cư dân sinh sống tại chung cư này đã quá quen với tình trạng “om giữ” cầu thang. Có mấy đứa trẻ khảnh ăn cho nên người nhà hoặc các cô giúp việc phải dỗ dành đủ kiểu. Ðịa điểm mà các bà, các cô thường dẫn bọn trẻ ra để bón cơm, cháo là khu vực thang máy. Họ cho các cháu nhỏ bấm loạn xạ vào bảng điều khiển cầu thang “mở ra, đóng vào”... liên tục.

Sống ở khu chung cư đông đúc mà cứ ứng xử tùy tiện như vậy thật thiếu ý thức, thang máy đâu phải nơi dỗ trẻ.