Lớp học ấm tình người

Không những hoàn thành tốt công tác tại Trường tiểu học Đông Sơn, nhiều năm nay, cô giáo Lê Thị Hòa đã tổ chức lớp học tình thương dành cho học sinh khuyết tật trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Bằng tình thương, lòng kiên trì, cô Hòa cùng đồng nghiệp đã đem ánh sáng tri thức, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn các em khuyết tật.
Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn các em khuyết tật.

Không gian yên tĩnh ở chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) thi thoảng lại vang lên tiếng giảng bài. Đó là nơi có một lớp học đặc biệt, đã hoạt động hơn 10 năm nay. Học sinh đến với lớp học là các em khuyết tật thuộc nhiều lứa tuổi, có em mới 10 tuổi, nhưng cũng có những bạn ở độ tuổi đáng ra phải là… sinh viên. Những bài tập viết, những phép cộng, phép trừ, vốn là những bài học đơn giản, nhưng ở lớp học này, để các em có thể cầm bút viết và tính toán, cô trò phải cùng nhau “đánh vật”. Người sáng lập và gắn bó với lớp học suốt những năm qua là cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên, kiêm Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Đông Sơn.

Cô Hòa có một tuổi thơ cơ cực khi cha mẹ đều mất sớm. Bởi thế, cô luôn nghĩ đến những mảnh đời của những đứa trẻ bất hạnh. Dạy học ở vùng ngoại thành, chứng kiến nhiều học sinh khuyết tật không thể theo học ở các lớp bình thường, trong khi đó, gia đình các em không có điều kiện đưa đến trường chuyên biệt. Năm 2002, cô quyết định mở lớp học miễn phí cho các em khuyết tật tại nhà. Ban đầu có 14 em đến xin học. Một thời gian sau, nhiều phụ huynh biết tiếng, tìm đến xin học ngày càng đông. Nhà chật, cô Hòa trăn trở làm sao để có chỗ học rộng rãi hơn cho các em. Một lần đi lễ ở chùa Hương Lan làng bên, cô gặp sư thầy Thích Đàm Tiền, cô ngỏ ý với sư thầy muốn mượn địa điểm để tổ chức lớp học, sư thầy mừng lắm, sẵn sàng tạo điều kiện để cô Hòa cùng một số giáo viên về hưu tâm huyết mở lớp học trong chùa. Sư thầy Thích Đàm Tiền cho tu sửa nhà tiếp khách thành phòng học khang trang. Tháng 9-2007, lớp học trong chùa Hương Lan tổ chức buổi lên lớp đầu tiên. 16 em học sinh khuyết tật tham gia lớp. Cùng với đó, cô Hòa nhận dạy 28 học sinh thuộc diện yếu, kém tại địa phương.

Dạy học cho những đối tượng đặc biệt, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực. Những em bị thiểu năng trí tuệ, nhiều khi không kiểm soát được cảm xúc bản thân. Muốn dạy các em “cái chữ”, giáo viên vừa phải truyền thụ kiến thức, lại phải là nhà tâm lý, vừa dạy, vừa làm bạn của các em, cùng các em vượt khó. Lại có những em nhận thức kém, học trước quên sau, nhiều buổi học trôi qua mà vẫn như mới bắt đầu. Thiếu đi lòng kiên trì, công việc "gieo" chữ sẽ sớm thất bại. Chưa kể, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, sách vở thiếu thốn, cô Hòa cùng đồng nghiệp phải bỏ tiền túi mua đồ dùng học tập cho các em; kết hợp với nhà chùa vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Cô Hòa chia sẻ: “Có những lúc, chúng tôi tưởng không thể duy trì được lớp học, một số phụ huynh nghĩ rằng con họ khuyết tật nặng, học cũng chẳng ích gì. Chúng tôi luôn cố gắng để chứng minh rằng các em sẽ làm được với sự giúp đỡ của các cô. Có nhiều trường hợp khiến thầy cô phải xúc động như em Nguyễn Thùy Dung, nhà cách lớp đến 23 km, nhưng vẫn đều đặn đến lớp vào thứ bảy, chủ nhật. Hiện nay, em đã đọc viết thành thạo, sử dụng tốt máy vi tính. Hay như em Cấn Thị Khuê, khuyết tật nặng, nhưng 12 năm theo học giờ cũng đã tích lũy được nhiều kiến thức”.

Qua năm tháng, có những em học sinh tưởng chừng phải “đứng ngoài” sự phát triển của xã hội, nhưng nhờ nỗ lực của cô Hòa và các đồng nghiệp, các em đã “tốt nghiệp”, hòa nhập với cuộc sống. Đặc biệt, có hai em đã đi làm và tự nuôi bản thân, hỗ trợ gia đình. Hiện tại, lớp học có tổng số 58 học sinh.

Ngoài tham gia giảng dạy lớp học tình thương, cô giáo Lê Thị Hòa còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Từ năm 2015 đến nay, số tiền cô Hòa bỏ ra, cùng vận động để hỗ trợ từ thiện lên đến 400 triệu đồng. Trong đó, có những trường hợp hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây nhà, chữa bệnh hiểm nghèo.

Trong công việc hằng ngày, nhiều năm qua, cô Hòa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học cũng như làm Tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Đông Sơn. Trong công tác Đội, cô có nhiều sáng tạo như tổ chức “Đêm hội trăng rằm” vào Tết Trung thu; tổ chức sinh hoạt theo chủ đề “Tiếp bước cha anh” nhằm giáo dục truyền thống, tri ân các cựu chiến binh tại địa phương vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12; tổ chức ngày hội “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Thủ đô” để quyên góp tiền tặng các em học sinh nghèo vượt khó...