Cán bộ cơ sở nhiệt tình, giàu sáng tạo

Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ trưởng dân phố tâm huyết, giàu sáng tạo, bà Nguyễn Thị Túc (tổ 34, Xuân La, Tây Hồ) đã xây dựng nhiều mô hình, phong trào thiết thực vì cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Túc (áo trắng) đan làn nhựa cùng hội viên Chi hội phụ nữ số 5 (quận Tây Hồ).
Bà Nguyễn Thị Túc (áo trắng) đan làn nhựa cùng hội viên Chi hội phụ nữ số 5 (quận Tây Hồ).

Trong ngôi nhà rợp bóng cây nép mình trên con ngõ nhỏ tại tổ dân phố 34, phường Xuân La (quận Tây Hồ), bà Nguyễn Thị Túc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5 cùng với hội viên của mình đang tỉ mỉ đan làn nhựa. Đôi bàn tay khéo léo, bà Túc sắp xếp dây đều tăm tắp, chỉ vài phút đan đã hoàn thiện phần đáy chiếc làn. Chỉ vào những sản phẩm xinh xắn vừa hoàn thiện, bà Túc nói: “Ngoài hai dây xách phải bỏ tiền mua, còn lại, nguyên liệu đan làn nhựa đều do chị em trong tổ tự đi nhặt nhạnh, thu gom”.

Năm 2010, tình cờ nhìn thấy một hội viên trong tổ xách làn nhựa đi chợ, bà Túc hỏi ra mới biết, sản phẩm này do chính chồng của hội viên là ông Phạm Gia Hùng tự đan. Một ý tưởng nảy ra trong đầu bà chi hội trưởng chi hội phụ nữ: “Tại sao không nhân rộng mô hình này để hạn chế sử dụng túi ni-lông trong khu dân cư?”. Bà Túc đến gặp ông Phạm Gia Hùng, nhờ ông Hùng dạy cách đan làn nhựa, sau đó là dạy các chị em trong hội làm theo. Hằng ngày, bà Túc cùng các hội viên đi đến các công trình xây dựng, các xưởng sản xuất nước uống đóng chai nhặt nhạnh dây nhựa, rửa sạch, cắt thành các đoạn bằng nhau để làm nguyên liệu đan làn.

Thời gian đầu, vào dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, bà Túc vừa tuyên truyền về lợi ích của việc hạn chế sử dụng túi ni-lông vừa động viên chị em tích cực tham gia đan làn nhựa. Từ bốn, năm thành viên cốt cán tích cực hưởng ứng, giờ đây, hơn 300 hội viên Chi hội Phụ nữ cụm dân cư số 5 đã sử dụng làn nhựa để đi chợ, làm giảm đáng kể tình trạng sử dụng túi ni-lông. Nhờ bán làn, Chi hội Phụ nữ số 5 đã thu về khoảng 10 triệu đồng góp quỹ. Mô hình này đã được nhân rộng ra 10 chi hội phụ nữ khác của phường Xuân La.

Bà Túc còn kêu gọi chị em trong chi hội xây dựng “Tủ quần áo từ thiện”. Mô hình này do 20 hội viên cốt cán phụ trách, có nhiệm vụ thu gom quần áo còn sử dụng được, vệ sinh, phân loại và đóng gói tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư, trong phường và nhiều tỉnh, thành phố khác. Bà Đỗ Thị Xuân, hội viên Chi hội Phụ nữ số 5 nhận xét: “Cô Túc là một người rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác, nhưng rất gần gũi, nhẹ nhàng với mọi người. Có cô ấy làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, chị em chúng tôi sinh hoạt cũng vui vẻ, hăng hái hẳn lên”.

Năm 2011, tại địa bàn tổ 34 tồn tại 186 m2 đất xen kẹt của một hộ dân. Khu đất để không đó trở thành nơi để nhiều người dân thiếu ý thức vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, với tư cách là Tổ trưởng Tổ dân phố, bà Túc đã vận động chủ đất nhận bồi thường theo giá Nhà nước. Sau đó, bà Túc kêu gọi các hộ dân sống chung quanh chi tiền để đền bù cho chủ đất và thuê người làm sạch bãi rác, láng xi-măng. Tuy nhiên, đến khi khu đất sạch sẽ, có người lại đến đóng cọc hòng lấn chiếm. Bà Túc lập tức làm đơn báo cáo chính quyền địa phương, công an đề nghị vào cuộc, bảo vệ khu đất. Nhờ sự dứt khoát, bản lĩnh của bà Túc, khu đất đã được trả lại cho cộng đồng, bầu không khí tổ 34 nhờ vậy thêm xanh, sạch, đẹp.

Với những đóng góp của mình trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và Tổ trưởng dân phố, bà Nguyễn Thị Túc được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019.