Xử lý rác theo công nghệ hiện đại

Một tuần qua, công nhân các đơn vị vệ sinh môi trường của TP Hà Nội phải làm việc cật lực mới cơ bản dọn hết số rác tồn đọng, ùn ứ trong khu vực nội thành sau năm ngày bị người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) chặn các xe ô-tô vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Đến tối 23-7, số rác trong 11 quận mới được dọn xong, riêng quận Nam Từ Liêm vẫn còn 254 tấn rác tồn đọng, đang được các đơn vị tiếp tục thu dọn.

Nhiều xe chở rác bị ùn ứ. (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)
Nhiều xe chở rác bị ùn ứ. (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)

Với khoảng 6.500 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày, hiện nay, phần lớn số rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được xử lý theo phương pháp chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn và Khu xử lý rác Xuân Sơn, nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Chỉ khoảng 10% số rác được xử lý theo phương pháp đốt không tận thu năng lượng. Việc xử lý rác bằng chôn lấp phát sinh nhiều yếu tố bất lợi như tiêu tốn diện tích đất, dẫn đến khó khăn công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng các ô chôn lấp mới và di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường từ các khu xử lý rác. Chưa kể những khó khăn trong xử lý về mùi, nước rỉ rác, các chi phí hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho người dân, lãng phí tài nguyên do chưa tái chế, tận dụng được năng lượng từ rác. Tại Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, mặc dù đơn vị quản lý khu đã áp dụng các biện pháp chôn lấp hiện đại, hợp vệ sinh, nhưng vẫn không tránh khỏi việc có mùi khó chịu, nhất là vào những ngày có độ ẩm không khí cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân sinh sống gần đó. Chính vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu chôn lấp rác và những hệ lụy phát sinh thì cần triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại.

Đến nay, thành phố đã lựa chọn được một số nhà đầu tư có năng lực để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tận thu năng lượng để phát điện. Đó là Dự án xây dựng Nhà máy điện rác công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm theo công nghệ của Bỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Nhà máy đang được xây dựng, theo tiến độ sẽ hoàn thành và vận hành vào tháng 12-2020. Mới đây, tại Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển, UBND thành phố đã trao Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, công suất xử lý 1.500 tấn rác/ngày; cải tạo nâng cấp, thay thế công nghệ cũ bằng công nghệ đốt rác, phát điện hiện đại; tiến độ xây dựng 16 tháng. Đồng thời, thành phố đang tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án xử lý rác thải tại Châu Can (huyện Phú Xuyên) có công suất xử lý 800 tấn/ngày; tại Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) có công suất 1.500 tấn rác/ngày, tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) có công suất 1.200 tấn rác/ngày. Với các giải pháp nêu trên, dự kiến từ năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chỉ còn khoảng 36%; và sẽ giảm tiếp trong những năm tiếp theo. 

Trước mắt, khi các dự án xây dựng nhà máy đốt rác để phát điện chưa hoàn thành, đi vào hoạt động, thành phố cần chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn để tái sử dụng hiệu quả. Bởi đây là giải pháp không tốn kém nhiều chi phí, nhưng đạt hiệu quả cao trong xử lý rác mà các nước trên thế giới thực hiện, đã từng được triển khai tại một số phường ở Hà Nội những năm trước, để giảm áp lực cho các bãi chôn lấp rác hiện đang quá tải.

Xử lý rác theo công nghệ hiện đại ảnh 1

Nam Sơn và bài toán xử lý rác thải ở Hà Nội