Tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý chợ

Cách đây gần hai năm, công tác quản lý chợ là vấn đề nóng mà đông đảo cử tri, người dân Thủ đô quan tâm. Trước tình hình này, TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, nhưng công tác này vẫn còn rất nhiều bất cập, vướng mắc.

Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ. Thời gian qua, dù đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ nhưng mới chỉ chuyển đổi được 167 chợ, đạt tỷ lệ 36,8%; còn 33 chợ chưa phân hạng; 57 chợ chưa được phê duyệt phương án giá dịch vụ chợ... Hầu hết các chợ trên địa bàn, nhất là chợ ở khu vực ngoại thành đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Một số địa bàn của các địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, khó kiểm soát chất lượng hàng hóa... Công tác quản lý và phát triển chợ, triển khai quy hoạch xây dựng chợ tại các quận, huyện còn chậm và chưa đồng bộ. Mặc dù, thành phố đã phê duyệt các kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, song một số địa phương chưa tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng thu ngân sách của thành phố. Đến nay, vẫn còn bảy vụ việc phức tạp tại các chợ: chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn), chợ Kim (huyện Đông Anh), chợ Sáng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)… chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian qua, thành phố cũng đã tích cực kêu gọi xã hội hóa nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trước tình hình này, TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay… đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức áp thu áp dụng khi chợ do nhà nước quản lý để bảo đảm an sinh, trật tự xã hội. Bộ Công thương có quy định rõ hơn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh, cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp hộ kinh doanh đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh doanh để xây dựng chợ.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cần sớm phê duyệt Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn thành phố năm 2019 đợt 1. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, các đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ về tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay, giãn tiến độ nộp tiền. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cần tăng cường quản lý, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân và các phòng ban trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển chợ, xử lý bất cập của các chợ liên quan đến ngành hàng, giá dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy… Sở Công thương cần chủ động phối hợp Thanh tra thành phố, các địa phương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan để sớm ổn định hoạt động của chợ, bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội.