Tạo thói quen sử dụng xe buýt

Những ngày gần đây, hàng nghìn người dân Thủ đô, gồm người có công với cách mạng, người khuyết tật, người từ 60 tuổi trở lên, người nghèo… đã đến 62 địa điểm để làm thủ tục cấp thẻ đi xe buýt miễn phí từ ngày 1-9-2019.

Cùng với quy định này, thành phố Hà Nội cũng cho phép trẻ em dưới sáu tuổi được sử dụng xe buýt miễn phí (không cần cấp thẻ). Chủ trương này của thành phố được xã hội hoan nghênh. Từ việc khuyến khích mọi người sử dụng xe buýt góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, người dân Thủ đô sẽ có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng khác sẽ được đưa vào sử dụng thời gian sắp tới như đường sắt đô thị, tàu điện trên cao. Thành phố cũng kỳ vọng, thói quen của những đối tượng này sẽ lan tỏa đến những người còn lại trong xã hội. Từ đó, hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô.

Thời gian qua, hệ thống xe buýt Hà Nội đã có những thay đổi tích cực cả về hạ tầng, chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ... Mạng lưới xe buýt của thành phố gồm 123 tuyến, bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, kết nối 98% các bệnh viện, 100% các trường học, 16% các khu công nghiệp, 90% khu dân cư. Phần lớn các phương tiện được đổi mới về chất lượng, năng lực vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/ngày. Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp như vậy, nhưng trên thực tế, số lượng hành khách sử dụng xe buýt trên địa bàn thành phố tăng trưởng chậm, cạnh tranh không cân sức với sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân và dịch vụ xe công nghệ, khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra khá phức tạp. Đây cũng là vấn đề nhiều cử tri Hà Nội băn khoăn, lo lắng, bởi nếu tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng không cao thì thành phố khó triển khai việc hạn chế sử dụng xe máy trong nội đô theo lộ trình.

Để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt từ 20-25% theo mục tiêu của Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội, mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận các doanh nghiệp tiếp tục mở mới 21 tuyến xe buýt trong năm nay, trong đó có bốn tuyến khai thác bằng phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch (khí CNG), ba tuyến thu gom khách từ khu dân cư, khu đô thị ra các trục giao thông chính trong nội đô và 14 tuyến tại các khu vực ngoại thành chưa có xe buýt hoạt động. Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai lắp đặt 307 nhà chờ xe buýt trên địa bàn các huyện ngoại thành… Những giải pháp nêu trên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng loại hình giao thông công cộng này.

Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển giao thông công cộng, bằng việc triển khai quyết liệt hơn công tác lập lại trật tự đô thị, bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với xe buýt; tổ chức các làn đường riêng cho xe buýt tại các trục giao thông có đủ điều kiện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ giúp xe buýt thể hiện ưu thế so với các phương tiện giao thông cá nhân, thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt, từ đó giải tỏa áp lực giao thông-bài toán nan giải ở Hà Nội.