Siết chặt việc điều chỉnh quy hoạch

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản bác đề xuất của chủ đầu tư Khu đô thị Ciputra (nằm trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm) về việc xin điều chỉnh quy hoạch ô đất P14 và ô đất TM13 tại khu đô thị này. Trước đó, chủ đầu tư khu đô thị đề xuất các ban, ngành của TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch lô đất P14 diện tích gần 13.400 m2 được quy hoạch làm bãi đỗ xe, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn ô đất TM13 rộng gần 55 nghìn m2, ban đầu được quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ, nay được chủ đầu tư đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp với các công trình thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với số dân gần 3.000 người. Động

Điều chỉnh quy hoạch luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải hạ tầng đô thị, nhất là ở một thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội. Điều dễ nhận thấy là nếu như khi lập quy hoạch, các dự án xây dựng khu đô thị, chung cư đều được xem xét rất kỹ, được các cơ quan chức năng đánh giá tác động môi trường, để bảo đảm quy hoạch phân khu có phù hợp quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, các quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt lại với điều chỉnh khá tùy tiện, theo hướng làm lợi cho nhà đầu tư, mà thu hẹp lợi ích của dân cư, từ đó, tạo nên sức ép cho kết cấu hạ tầng của khu vực do dân số cơ học tăng mạnh.

Mười năm trước, năm 2009, khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Đây được coi là khu đô thị đáng sống với những tòa chung cư hài hòa trong không gian xanh rộng hơn 200 ha. Nhưng vài năm gần đây, quy hoạch khu đô thị này bị buông lỏng. Nhiều tòa nhà, dự án nhà ở hàng chục tầng được xây dựng tại các khu đất được quy hoạch làm văn phòng, khu vực đỗ xe… đã biến Linh Đàm trở thành “khu đô thị nén”. Quy mô dân số theo quy hoạch ban đầu là khoảng 25 nghìn người, nay đã tăng lên gần gấp ba lần, khoảng 70 nghìn người, gây ra tình trạng quá tải về giao thông, thoát nước, cấp nước và nhất là thiếu nghiêm trọng các cơ sở giáo dục. Hay mới đây, tại khu đô thị Đoàn Ngoại giao (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), ban đầu, quy hoạch mật độ xây dựng chỉ chiếm từ 30 đến 33%, còn lại 70% là công viên, cây xanh, hồ điều hòa. Nhưng sau khi bị điều chỉnh, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ có mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình năm tầng, nay chuyển đổi mục đích sử dụng làm đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp ba lần.

Tình trạng các dự án liên tục điều chỉnh quy hoạch phải chăng do chất lượng quy hoạch còn hạn chế, quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn hay do sức ép từ phía các doanh nghiệp? Chỉ thấy rõ rằng, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị khiến cho chủ trương giãn dân trong nội đô Hà Nội nhiều năm qua chưa thực hiện được. Trong khi thành phố tốn rất nhiều nguồn lực để xây dựng thêm hệ thống trường, lớp và các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tuy nhiên tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Trong những trường hợp cần thiết, cần tiến hành thanh tra việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.