Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Trong những năm qua, TP Hà Nội rất quan tâm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thành phố đã xây dựng, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như vùng trồng rau an toàn có diện tích hơn 5.000 ha, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp.

Ðến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia; đồng thời xây dựng được 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, nhãn Ðại Thành, gạo thơm Bối Khê… Các chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn ít, quy mô nhỏ. Việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Công tác bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm từ chuỗi vẫn chưa được đẩy mạnh, gây khó khăn trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tiêu thụ nông sản vẫn phải qua nhiều khâu trung gian, cho nên giá bán đến tay người tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với giá thu mua tại các cơ sở sản xuất, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Giá cả nông sản không ổn định, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra.

Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là do trình độ sản xuất của người dân còn thấp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Các vùng sản xuất phân tán, quy mô chưa lớn. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa thu hút doanh nghiệp.

Liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản là xu thế phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, UBND thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với lĩnh vực có thế mạnh như trồng rau, trồng cây ăn quả đặc sản, sản xuất giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản.