Phát huy nguồn lực văn hóa

Ngày 30-10-2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của nước ta được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thiết kế sáng tạo hay các không gian văn hóa sáng tạo vốn là "nguồn lực mềm" tác động mạnh vào sự phát triển của Hà Nội. Vấn đề là cần chuyển hóa được "nguồn lực mềm" ấy thành "sức mạnh mềm" văn hóa. Ðó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội được công nhận là "Thành phố sáng tạo".

Với 5.922 di tích, trong đó có một Di sản văn hóa thế giới; ba Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; một Di sản tư liệu thế giới; 19 di tích quốc gia đặc biệt và hơn một nghìn di tích cấp quốc gia. Ðó chính là những tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống của cả nước,với khoảng 1.350 làng nghề, đây là tiềm năng, lợi thế để đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Trong thời gian qua, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Ðiển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; dự án trồng mới một triệu cây xanh; đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội... Những năm gần đây, Hà Nội bắt đầu từng bước phát triển ngành công nghiệp văn hóa và đi đầu trong cả nước về hướng đi mới này. Riêng năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội. Con số này chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố, trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố. Giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng đây là tiền đề mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Cần nâng cao nhận thức về việc hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô trong tình hình mới. Từ đó, nâng cao vai trò của sáng tạo, lồng ghép sáng tạo vào tất cả các chiến lược phát triển, nhất là chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, trong đó yếu tố sáng tạo phải là yếu tố quan trọng nhất. Thành phố cần tiếp tục đầu tư hơn nữa các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang đậm nét riêng của người Hà Nội. Khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần đưa yếu tố sáng tạo hàm chứa trong tất cả các lĩnh vực tạo sự bền vững trong phát triển.

Những giải pháp đó sẽ giúp Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu trở trung tâm sáng tạo của khu vực Ðông - Nam Á, tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam như: TP Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế… tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới. Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên, rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Tầm nhìn và thương hiệu của một Thành phố sáng tạo sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.