Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa 17 còn nhấn mạnh mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… đã được thành phố thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Đồng thời, thành phố cũng ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù về phúc lợi xã hội. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo của Hà Nội đã được điều chỉnh theo hướng tăng cao, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Nổi bật là giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở Hà Nội giảm còn 2,21%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được hoàn thành sớm hai năm, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều… Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng. Hà Nội đã xây dựng 10 nghìn nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. 

Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, thành phố quyết tâm nâng cao hơn nữa đời sống người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Để cụ thể mục tiêu này, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình công tác toàn khóa về an sinh xã hội. Đó là Chương trình số 08: Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; trong đó tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh cơ cấu lại lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn; thêm giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm…

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân số - gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới cũng được thành phố tiếp tục quan tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,5 tuổi, cao hơn hai tuổi so với bình quân chung cả nước. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bảo đảm trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, đối tượng chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở... Trong nhiệm kỳ này, thành phố phấn đấu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân. Trong đó, chú trọng đến khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh.

Với kinh nghiệm của việc xây dựng, triển khai các chương trình công tác toàn khóa các nhiệm kỳ trước, thành phố có cơ sở để thực hiện Chương trình số 08 một cách hiệu quả. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ là nền tảng quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.