Khắc phục bất cập về an toàn lao động

NDO -

Những vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã và đang là tiếng chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ). Ðiển hình là vụ tai nạn nghiêm trọng sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Ðình Hổ (quận Hai Bà Trưng) xảy ra vào tối 30-7 làm bốn người chết.

Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn lao động". Mới đây, ngày 25-10, Công an phường Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy) đã tạm giữ lái xe ô-tô cần cẩu gây ra vụ tai nạn lao động tại số 191 đường Lạc Long Quân, khiến một công nhân sửa chữa đường ống nước bị vùi lấp và làm hư hỏng nhiều công trình dân sinh. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, bảy tháng đầu năm 2020, tại Hà Nội đã xảy ra chín vụ tai nạn lao động và một vụ cháy làm 13 người chết. Các vụ tai nạn phần lớn trong ngành xây dựng, do người lao động ngã từ trên cao xuống. Ðáng lưu ý, nạn nhân hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới một tháng và không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cho nên khi tai nạn xảy ra, người lao động chịu rất nhiều thiệt thòi.

Nhằm đẩy mạnh công tác ATVSLÐ, từ cuối tháng 5-2020, thành phố đã thành lập hai đoàn kiểm tra tại 20 công trình xây dựng có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động. Liên đoàn lao động các cấp cũng đã lồng ghép kiểm tra công tác ATVSLÐ, phòng, chống cháy nổ tại 425 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó đã chỉ ra 524 hành vi vi phạm quy định pháp luật;  đề nghị tạm đình chỉ chín máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLÐ chưa được kiểm định an toàn, đưa ra hơn 7.000 kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn…

Dù đã có nhiều cố gắng song theo đánh giá của đại diện Liên đoàn Lao động thành phố, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, cũng như sự quan tâm của một số doanh nghiệp, công đoàn cơ sở trên địa bàn về công tác ATVSLÐ còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí chưa quan tâm đến công tác này, nhưng lại thường xuyên sử dụng lao động phổ thông, không qua đào tạo dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao. Công tác khai báo về tai nạn lao động của các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Mặt khác, sự vào cuộc của chính quyền trong công tác ATVSLÐ ở một số nơi còn thiếu tích cực, công tác thanh tra, xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thậm chí nhiều nơi khi phát hiện sai phạm nhưng chỉ dừng ở mức nhắc nhở, không lập biên bản xử lý vi phạm hành chính…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, TP Hà Nội hạn chế việc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp để tập trung khắc phục hậu quả dịch bệnh và đẩy mạnh việc chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Song trước thực tế tai nạn lao động đang có chiều hướng gia tăng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong công tác ATVSLÐ, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người sử dụng lao động và người lao động, tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao như xây dựng, cơ khí, lắp ráp, điện gia dụng…