Khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông đường vành đai 2 trên cao

Sau thời gian dài chờ đợi, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) đã chính thức thông xe từ ngày 9-11.

Công trình đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ giúp giao thông khu vực đường Trường Chinh, nhất là tại nút giao Ngã Tư Sở được giảm tải. Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày vận hành, ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng vẫn diễn ra ở các khung giờ cao điểm, thậm chí trầm trọng hơn. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dù đã tăng cường lực lượng, căng mình điều tiết, nhưng không thể kiểm soát hết.

Nguyên nhân là do sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao, lượng xe ô-tô dồn về hai nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng nhanh hơn và nhiều hơn, xung đột trực tiếp với lượng xe lưu thông trên đường Trường Chinh vốn đã rất đông. Trong khi đó, đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Trường Chinh - Tây Sơn kéo dài đến 90 giây đèn đỏ, 40 giây đèn xanh, khiến việc lưu thoát xe qua nút giao thông bị hạn chế, gây ùn tắc nghiêm trọng ở lối lên và xuống đường trên cao.

Chiều tối 11-11, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã khảo sát thực tế tình hình giao thông trong giờ cao điểm tại khu vực Ngã Tư Sở. Qua phân tích cho thấy, do các phương tiện từ đường Tây Sơn đi Trường Chinh qua nút Ngã Tư Sở bị "bịt" lại từ ngày thông xe đường trên cao vành đai 2, các phương tiện phải rẽ sang đường Láng để đi về phía đường Trường Chinh. Việc này khiến lượng phương tiện từ đường Láng đi Trường Chinh qua nút giao Ngã Tư Sở tăng đột biến. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng đã điều chỉnh thời gian của đèn tín hiệu tại nút Ngã Tư Sở. Thời gian chờ đèn đỏ đã được điều chỉnh từ 77 giây xuống còn hơn 60 giây, cùng với tăng thời gian đèn xanh từ 77 giây lên 88 giây, cho nên đã giảm thời gian phương tiện phải dừng chờ, giúp cho xe có thể lưu thông sau một nhịp đèn. Theo đánh giá, giải pháp tổ chức giao thông mới là phù hợp, giúp bớt thời gian ùn tắc hơn. Trong 10 ngày tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành theo dõi, điều chỉnh công tác tổ chức đèn tín hiệu nếu có bất cập.

Tuy nhiên, điều tiết phương tiện chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ hơn. Theo một số chuyên gia giao thông, để tình trạng ùn tắc không thêm trầm trọng và phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng tính toán, thiết kế lại điểm "tiếp đất" của đường trên cao vành đai 2. Cụ thể là kéo dài thêm một đoạn đường trên cao theo phương án cầu vượt liên thông vượt nút Ngã Tư Sở, sau đó xây dựng ba đường nhánh theo hình hoa thị tiếp cận các tuyến đường Láng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi. Có như vậy mới giảm được tình trạng ùn tắc, cũng như phát huy hiệu quả của dự án đường vành đai 2.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến đường Cầu Giấy. Bằng việc huy động nguồn lực cộng với kế hoạch mở rộng đường Láng theo quy hoạch 50 m, hệ thống đường vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Cầu Giấy hy vọng sẽ sớm được triển khai trong giai đoạn tới.