Hoàn thiện nền tảng cơ bản của chính quyền điện tử

Thời gian qua, TP Hà Nội đã thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Thành phố đã hoàn thành kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) cốt lõi theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu.

Thành phố đã hình thành CSDL dân cư của hơn 7,9 triệu người dân Hà Nội; kết nối, chia sẻ CSDL dân cư với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế,... Hình thành CSDL quản lý doanh nghiệp, hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, tích hợp dữ liệu với phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chia sẻ thông tin cho các cơ quan, đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh đã rút ngắn thời gian họp của các cơ quan, đơn vị, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy. Đến nay, 90% các cuộc họp của UBND thành phố đến sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã; 80% các cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đến cấp xã được thực hiện trực tuyến.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu triển khai xây dựng kênh thông tin tương tác giữa chính quyền và người dân qua phần mềm Hanoi Smartcity, cho thấy rõ hiệu quả trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Tính đến ngày 24-5, đã có gần 16 triệu lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.370 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống, trong đó có 12.851 tài khoản thành viên các ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn được khởi tạo và đang khai thác sử dụng trên hệ thống và 696.347 lượt tải ứng dụng trên hai nền tảng di động iOS và Android; tiếp nhận, xử lý 2.632 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: Y tế, giao thông, an ninh, môi trường…

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, thành phố đã hình thành phương thức làm việc mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả trong công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin từng bước đầu tư, triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ giữa các cấp. Từng bước cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Chính vì vậy, ba năm qua, Hà Nội luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả này còn góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính của thành phố những năm gần đây duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng toàn quốc.

Chương trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Hà Nội thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, so với những nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho Hà Nội trên lĩnh vực này thì thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhất là trong thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao, nhu cầu họp trực tuyến, giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử rất lớn và ngày càng phát triển mạnh. Thời gian tới, thành phố cần hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh, mang lại tiện ích, sự an toàn, thân thiện cho người dân.