Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ

Chương trình “Xây dựng trường học xanh” do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thực hiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là mô hình “Tái chế học đường” thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa do Công ty Tetra Pak (Thụy Điển) phối hợp các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức trên địa bàn Thủ đô thực hiện thí điểm từ năm 2017.

Từ những việc nhỏ, dễ nhớ, dễ làm là thu gom, cho ống hút vào trong hộp, phân loại vỏ sữa..., chương trình đã được các em nhỏ hào hứng tham gia, thông qua đó giáo dục các em ý thức tự phục vụ và bảo vệ môi trường. Với những hiệu ứng tích cực, từ năm học 2019 - 2020, chương trình chính thức được triển khai trên diện rộng tới 1.200 trường mầm non và tiểu học của Hà Nội. Kết thúc năm học, mặc dù gián đoạn gần nửa năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để tái chế.

Trong năm học 2020 - 2021, chương trình tiếp tục mở rộng quy mô với sự tham gia của 1.600 trường tiểu học và mầm non. Trong khuôn khổ của chương trình, các em học sinh được cung cấp nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường, tiếp tục được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống, như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹt, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được thu gom định kỳ hai tuần một lần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái, đồ chơi...

Bên cạnh đó, cũng trong năm học này, nhiều sáng kiến cải thiện môi trường, xây dựng trường học xanh như dự án “Đường đi bộ đến trường”; mô hình học sinh tự quản trong chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa; dự án thay đổi hành vi học sinh, xây dựng lối sống xanh trong trường học cũng được nhiều trường thực hiện.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra hơn 5.000 tấn rác, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Lượng rác thải ra quá lớn, cách xử lý chủ yếu là chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cuộc sống của người dân sống gần khu vực bãi rác. Chính vì vậy, những chương trình như “Xây dựng trường học xanh” là rất cần thiết và có ý nghĩa. Thành phố cần xây dựng và nhân rộng hơn nữa các chương trình về bảo vệ môi trường, xử lý, phân loại rác ngay tại nguồn, hạn chế sử dụng vật liệu bằng nhựa, ni-lông dành cho lứa tuổi nhỏ. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ độ tuổi mầm non và tiểu học không chỉ giúp các em bảo vệ môi trường tại trường học mà sẽ còn lan tỏa đến mỗi gia đình, từng cộng đồng. Và xa hơn, trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ có ý thức bảo vệ môi trường, thiết thực đưa khẩu hiệu “sáng, xanh, sạch, đẹp” của Thủ đô vào cuộc sống.