Đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm OCOP

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi làng một sản phẩm (OCOP).

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương, hơn 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố tiến hành hai đợt đánh giá, phân hạng với 301 sản phẩm, đạt 100,3% kế hoạch. Năm 2020, thành phố Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP, phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2020, thành phố đánh giá, phân hạng 1.000 sản phẩm. Đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thành phố đã tiến hành đánh giá lần một đối với 358 sản phẩm đủ điều kiện từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương; tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, nhất là khu vực các làng nghề, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, nhất là các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm. Tuy nhiên, qua triển khai chương trình cho thấy, Hà Nội tuy có nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm địa phương, nhưng số lượng làng nghề có sản phẩm độc đáo, có uy tín trên thị trường chưa nhiều, các doanh nghiệp làng nghề còn lúng túng trong tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được chú trọng triển khai với việc tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối, nhưng nhìn chung còn manh mún, thiếu đồng bộ. Vì vậy, các làng nghề gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội đón hơn 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 7 triệu khách nước ngoài. Nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua các khách du lịch nước ngoài.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Mới đây, Sở Công thương phối hợp các quận, huyện, thị xã khai trương và đưa vào hoạt động ba điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông và quận Bắc Từ Liêm.

Để giúp chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các địa phương cần nghiên cứu, ban hành chính sách để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở phát huy được điều kiện, lợi thế để nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm. Các giải pháp hỗ trợ cần tập trung vào hai nhóm sản phẩm chính. Trong đó, đối với các sản phẩm OCOP đã hình thành và sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng cần tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại. Với sản phẩm tiềm năng, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, tập trung hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống nhận diện và thương hiệu để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm trên thị trường và người tiêu dùng; ưu tiên hoạt động quảng bá gắn với phát triển du lịch.