Chăn nuôi phải xa khu dân cư

Trong những năm gần đây, TP Hà Nội thường xuyên đứng trong nhóm đầu cả nước về tổng đàn vật nuôi và sản phẩm thịt. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các vật nuôi chủ yếu, gồm: trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan năm 2017 đạt hơn 434 nghìn tấn, năm 2018 đạt hơn 448 nghìn tấn, năm 2019 đạt gần 399 nghìn tấn.

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn giảm mạnh, nhưng sản lượng các loại vật nuôi khác như: gà, vịt, thủy sản tăng mạnh, cho nên dự kiến năm nay tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn đạt khoảng 400 nghìn tấn. Thành phố đã hình thành nhiều vùng trọng điểm chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn còn cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh. Hiệu quả kinh tế từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ không cao.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 207 nghìn cơ sở, hộ chăn nuôi, trong đó có khoảng 60% số cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng tại các phường thuộc các quận nội thành, bốn phường thuộc thị xã Sơn Tây và các thị trấn thuộc năm huyện ven đô, gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì có hơn 3.350 cơ sở, hộ chăn nuôi, với tổng số gần 204 nghìn con gia súc, gia cầm. Mặc dù số lượng cơ sở, hộ chăn nuôi nêu trên không lớn, quy mô nhỏ, trong đó có nhiều hộ dân tận dụng thức ăn dư thừa, chăn nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nhằm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn sức khỏe, môi trường cho người dân, Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, trước mắt là xây dựng khu vực không được phép chăn nuôi tại các phường thuộc nội thành, bốn phường thuộc thị xã Sơn Tây và các thị trấn thuộc năm huyện ven đô. Đây là việc làm cần thiết, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư và an toàn dịch bệnh tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sóc Sơn..., cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho người dân Thủ đô.