Cần giải pháp căn cơ để cải thiện chỉ số PAPI

Theo bảng tổng hợp kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa được công bố, Hà Nội có Chỉ số PAPI đạt 41,629 điểm, đứng thứ 48 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” đạt cao nhất, với 7,169 điểm. Tiếp đến là các chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” đạt 6,870 điểm; “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,598 điểm; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” đạt 5,244 điểm; “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,059 điểm; “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,812 điểm. Hai chỉ số đạt thấp là chỉ số “Quản trị môi trường” chỉ đạt 2,959 điểm và chỉ số “Quản trị điện tử” đạt 2,918 điểm.

Mặc dù chỉ số PAPI năm 2020 tăng 0,1 điểm, thứ hạng đã tăng lên 5 bậc so với năm 2019, nhưng Hà Nội vẫn nằm trong nhóm thứ tư - nhóm thấp nhất trong bảng xếp hạng. Kể từ đầu năm 2021, UBND thành phố Hà Nội tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Mục đích là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố, nhất là cấp cơ sở, phấn đấu chỉ số PAPI của thành phố năm 2021 được cải thiện, tăng ít nhất 5 bậc so với năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, UBND thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả; tổ chức thực hiện toàn diện, đầy đủ các giải pháp nhằm cải thiện tám chỉ số nội dung của PAPI. Tuyên truyền đến người dân về các quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở; giúp người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống. Phản ánh những nỗ lực của chính quyền trong quản lý điều hành, những thành tựu thành phố đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, phòng, chống tham nhũng; định hướng dư luận xã hội để người dân hiểu đúng về những khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, qua đó người dân chia sẻ, đánh giá sát thực hơn; phản hồi kịp thời, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng kiểm tra đột xuất; trong đó, địa bàn ưu tiên kiểm tra là các quận, huyện, thị xã; chú trọng kiểm tra trực tiếp tới tận UBND cấp xã, thôn, tổ dân phố. Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND thành phố tổ chức kiểm tra về nghiệp vụ chuyên ngành theo ngành dọc thuộc lĩnh vực quản lý. Chủ động, linh hoạt trong hình thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra; lồng ghép phù hợp việc kiểm tra thực hiện nội dung cải thiện Chỉ số PAPI vào nội dung kiểm tra của các đoàn công tác khác trên cùng địa bàn. Chính quyền các cấp chủ động phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc kế hoạch và các nhiệm vụ khác trên địa bàn; trong kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện kế hoạch khắc phục, cải thiện Chỉ số PAPI.
 
 Ba năm gần đây, Chỉ số PAPI của Hà Nội vẫn chưa được cải thiện rõ nét và Hà Nội vẫn nằm trong nhóm địa phương có chỉ số thấp nhất trong cả nước. Hy vọng sự quyết tâm cùng nhiều giải pháp thiết thực mà thành phố Hà Nội triển khai thực hiện trong năm nay, các Chỉ số PAPI của thành phố sẽ được cải thiện, tạo những sự thay đổi thiết thực, đáp ứng sự mong đợi của người dân.