Bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn thị trường Tết

Thời gian gần đây, giá thịt lợn tại thị trường Hà Nội liên tục tăng cao, với mức gần 80 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân tăng cao, nếu không có các giải pháp khắc phục thì có khả năng xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn cục bộ, giá cả leo thang, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi. Nguyên nhân chính dẫn đến biến động giá thịt lợn là do dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra từ cuối tháng 2 đến nay ảnh hưởng gần 33 nghìn hộ chăn nuôi, thuộc 449 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 24 quận, huyện, thị xã của thành phố, khiến gần 543 nghìn con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy, với trọng lượng hơn 37 nghìn tấn. Ðồng thời, phương thức chăn nuôi của người dân vẫn còn lạc hậu, với khoảng 60% tổng đàn lợn gần 2 triệu con là chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn thấp. Người tiêu dùng vẫn nặng thói quen chọn mua thịt lợn của những người bán hàng quen biết tại các chợ nhỏ lẻ, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có hơn 85% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh tả lợn châu Phi tăng cường tái đàn lợn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng; kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập khẩu để ổn định thị trường, bảo đảm người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh. Tại TP Hà Nội, thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn 174 xã, phường, thị trấn có bệnh tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày; trong đó, tại gần 100 xã, phường, thị trấn, dịch đã qua 30 ngày nhưng tiếp tục phát sinh.

Ðể bảo đảm nguồn cung thịt lợn, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, không để tái phát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, địa phương đã qua 30 ngày. Có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn trên cơ sở an toàn sinh học. Người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện quy trình tái đàn sau dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh tái đàn ồ ạt. Ðây cũng là thời điểm thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi gia súc, thủy sản, gia cầm theo chuỗi liên kết trong sản xuất, giúp người chăn nuôi chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả.