Bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng

Quý I -2019, TP Hà Nội đã đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn GDRP tăng 6,99%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 68.100 tỷ đồng, đạt 25,9% dự toán (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước)… Tuy nhiên, một số chỉ tiêu có tốc độ tăng chững lại, mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,86% (cùng thời điểm năm 2018 tăng 8,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng 11,3% (cùng kỳ năm trước tăng 17%); tổng mức bán ra và dịch vụ tăng 10,2% (cùng kỳ năm trước tăng 12,4%)… Điều đó có nghĩa để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2019 từ 7,4 đến 7,6%, thành phố cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Ngày 16-4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào ba nhóm giải pháp để phát triển sản xuất, bảo đảm tăng trưởng, gồm: Phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh; Bảo đảm thu ngân sách và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong ba nhóm giải pháp nêu trên, nhóm giải pháp thứ hai có ý nghĩa then chốt trong bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2019. Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; chỉnh sửa, bổ sung chính sách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch dịch vụ công mức 3, mức độ 4 năm 2019; nâng cao Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Song song với cải cách hành chính, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chính trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải ngân các dự án, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng đô thị, nông thôn mới… Sở Công thương chủ trì việc đẩy nhanh các dự án thương mại, siêu thị, chợ; tích cực kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương; quản lý tốt thị trường trong nước, các kênh phân phối, bán lẻ... Sở Du lịch phối hợp với các bên tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đa dạng hóa nguồn lực phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích chuyển đổi từ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng sản phẩm an toàn. Với nhóm giải pháp bảo đảm thu, chi ngân sách và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu, chống thất thu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chuyển giá, trốn, lậu

Qua việc ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND, có thể thấy, thành phố đã chỉ đạo sát sao từng sở, ngành, lĩnh vực, với các giải pháp cụ thể, nhấn mạnh những giải pháp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây chính là biểu hiện cụ thể của một chính quyền kiến tạo. Tuy nhiên, từ chỉ đạo đến thực hiện luôn có khoảng cách. Thành phố cần đẩy mạnh việc thực hiện kỷ cương công vụ; gắn các hoạt động của cán bộ với công tác đánh giá, thi đua; lĩnh vực nào không đạt được mục tiêu tăng trưởng thì cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm. Chỉ như vậy mới có thể nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện hiệu quả Chỉ thị 07, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố.