Bảo đảm an toàn thang máy

Liên tiếp những ngày gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra các sự cố về thang máy. Chiều 29-11, thang máy tại chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) khi đang vận chuyển 11 người từ tầng 11 xuống tầng 1, khi đến tầng 5 thì thang bất ngờ rơi tự do. 

Sự cố này khiến hai người bị thương, trong đó có một cụ bà 87 tuổi gãy chân. Theo lý giải của chủ đầu tư khu chung cư, tòa nhà xảy ra sự cố thang máy cao 17 tầng, có bốn thang máy, được đưa vào sử dụng năm 2012. Năm 2019, khi ban quản trị tòa nhà được thành lập, chủ đầu tư bàn giao toàn bộ công tác quản lý, vận hành tòa nhà cho ban quản trị. Ban quản trị đã thuê đơn vị quản lý, vận hành và đơn vị bảo trì các hạng mục tòa nhà theo quy định. Nguyên nhân sự cố đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Cũng trong ngày 29-11, hai thang máy tại Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Oanh (tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) cũng gặp sự cố. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, sử dụng kìm thủy lực giải cứu 38 người mắc kẹt ra ngoài an toàn… Nguyên nhân sự cố bước đầu được xác định do thang máy quá tải. 

Thang máy là thiết bị thiết yếu trong các tòa nhà cao tầng, giúp vận chuyển người, hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, nhà sản xuất liên tục đưa ra các biện pháp kỹ thuật như thang sẽ tự động không hoạt động khi bị quá tải, tự động hãm phanh, dừng và mở cửa tại điểm đỗ gần nhất nếu xảy ra sự cố… Tuy nhiên, do thang máy có tần suất sử dụng cao, thường xuyên, liên tục, nhất là đối với những thang máy đã sử dụng thời gian dài, nguy cơ xảy ra các sự cố đáng tiếc là rất lớn.
  
Trước những sự cố xảy ra thời gian qua, để đề phòng các trường hợp đáng tiếc liên quan thang máy xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân thì công tác quản lý, vận hành và bảo trì thang máy là việc làm quan trọng, không thể lơ là. Các thang máy phải được bảo dưỡng, bảo trì theo đúng yêu cầu, quy định. Người dân cần thường xuyên giám sát công tác bảo trì, kiểm định chất lượng thang máy, kịp thời yêu cầu đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện theo quy định. Khi phát hiện thang máy có vấn đề bất thường, hư hỏng, cư dân cần thông báo ngay cho đơn vị quản lý tòa nhà, thực hiện phong tỏa không để người khác sử dụng thang máy; đồng thời phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, khắc phục sự cố. 

Người sử dụng thang máy tuyệt đối không được để thang máy hoạt động trong tình trạng quá tải. Khi xảy ra sự cố, người dân cần bình tĩnh, nhấn nút cảnh báo, kêu gọi mọi người bên ngoài hoặc gọi điện thoại khẩn cấp số 114 để được trợ giúp. Người dân cũng không nên cố cạy cửa thang để thoát hiểm. Trong trường hợp thang máy rơi tự do hoặc đang bị kẹt trên tầng cao, nếu trong buồng thang có ít người, có thể nằm ngửa trên sàn, hai tay bảo vệ đầu, nếu có nhiều người thì ngồi ở tư thế bó gối để giảm chấn động cơ thể. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà không thực hiện đầy đủ các quy định an toàn thang máy.