Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các bệnh viện

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 111 bệnh viện (BV), trong đó có 41 BV công lập, 39 BV ngoài công lập, 31 BV của trung ương và của các bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám bệnh tư nhân. Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, BV là nơi khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, nhưng cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh cao nhất.

Từ ngày 25-7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 11 trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng và hầu hết số người mắc này đều phát hiện từ các BV trên địa bàn. Chính vì vậy, BV là nơi cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch.

Vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch của 68 BV công lập và ngoài công lập. Kết quả, có 51 BV đạt tiêu chí an toàn, 14 BV an toàn ở mức thấp; ba BV không an toàn, gồm: BV Mắt Sài Gòn - Hà Nội, BV Mắt Việt - Nhật, BV Mắt Hi-Tech. Qua kiểm tra các BV cho thấy, nhìn chung các BV đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội để thực hiện, áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp từng BV. Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay, đó là kế hoạch của các đơn vị chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo. Kiểm soát người ra vào BV chưa triệt để, chưa bố trí chốt phân luồng ngay tại cổng BV. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung như đeo khẩu trang chưa đầy đủ đối với người bệnh và người nhà người bệnh, chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh. Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các BV không an toàn phải dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục. Sở Y tế cũng cảnh báo, nhắc nhở các BV an toàn ở mức thấp, đề nghị xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề hạn chế và tổ chức rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly.

Rõ ràng, công tác phòng, chống dịch tại các BV là việc làm trường kỳ, thường xuyên và liên tục. Chỉ lơ là một khâu là nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập bất kỳ lúc nào, nhất là tại các BV điều trị chuyên khoa cho người bệnh bị suy thận mạn, đái tháo đường, viêm phổi, tim mạch…, vốn là những đối tượng dễ tổn thương nếu mắc thêm Covid-19. Vì vậy, các BV cần tuân thủ nghiêm văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về BV an toàn với 37 tiêu chí. Các BV tự đánh giá, chấm điểm, sau đó Sở Y tế Hà Nội sẽ đi kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện. Nếu BV nào thực hiện không nghiêm sẽ buộc phải dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong. Để hạn chế người ra, vào, các BV cần bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa, nhất là tại Khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác; giảm đến mức thấp nhất số lượng người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Các cơ quan trung ương cần kiểm tra giúp thành phố công tác an toàn tại các cơ sở y tế do Trung ương quản lý. Các quận, huyện, thị xã, dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế, cần siết chặt kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các phòng khám bệnh ngoài công lập trên địa bàn. Qua đó, có thông báo xếp loại, đánh giá tình hình các cơ sở khám, chữa bệnh. Nơi nào không đáp ứng được điều kiện an toàn thì phải dừng hoạt động.