Ðẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, khảm trai, mây tre, giang đan, thêu ren, cơ khí, kim khí, điêu khắc, may mặc, sinh vật cảnh... Cùng với đó, Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản có chất lượng, giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Ðại Thành, khoai lang Ðồng Thái, rau muống tiến vua Sen Chiểu, ổi Ðông Dư…

Làng nghề và nông sản đặc sản là lợi thế của Hà Nội, nhưng việc phát triển thương hiệu sản phẩm của từng làng, xã, gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân còn chậm trễ.

Thực tế trong những năm qua, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới, với bốn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hai huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, có 323 xã trong tổng số 386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước hai năm so với kế hoạch đề ra. Hệ thống hạ tầng nông thôn được cải tạo, đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ruộng đất sản xuất nông nghiệp được dồn đổi, gắn với quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, giúp cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi hơn. Ðời sống người dân nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn các xã sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới vẫn chưa tìm được hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng, có giá trị kinh tế cao để nâng cao đời sống người dân. Sản phẩm của các địa phương đều na ná nhau, chưa gắn với lợi thế các làng nghề và phát huy giá trị nông sản đặc sản của từng địa phương. Tình trạng nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra. Ðời sống nông dân bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Ðể phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị bền vững, trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương, TP Hà Nội cần sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Ðề án cần tập trung tiêu chuẩn hóa, nâng cấp các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có, đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, gắn sản xuất với thị trường; triển khai các làng nghề văn hóa, làng nghề du lịch. Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ phát triển các nhóm hàng nông sản, xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các địa phương chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cán bộ, nông dân tích cực tham gia OCOP.